Theo Viện Pasteur Nha Trang, đến nay, 11 tỉnh, thành phố miền Trung từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã ghi nhận gần 8.100 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 1000 ca so với cùng thời điểm này năm ngoái.

tcm5_dqvj.jpg
Trẻ điều trị bệnh tay chân miệng. 
(Ảnh minh họa)

Những địa phương có số ca tay chân miệng mức cao trong khu vực là Khánh Hòa gần 1.500 ca; thành phố Đà Nẵng gần 1.400 ca; Quảng Ngãi 1.300 ca, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi.

Đã có 70 trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính với EV71 và 1 trường hợp tử vong do tay chân miệng xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Hoàng Tiến Thanh, Trưởng Khoa Dịch tễ Viện Pasteur Nha Trang cho biết: “Nếu tính về số thô thì Đà Nẵng là địa phương có số ca mắc tay chân miệng cao nhất. Thực ra địa phương nào cũng đáng lưu ý cả, kể cả địa phương chưa có dịch. Tuy nhiên đối với những tỉnh đang có dịch gia tăng nhiều hơn thì cần phải chú ý giám sát từ khâu truyền thông cho cộng đồng người ta hiểu về bệnh tay chân miệng, nhất là trường học, mẫu giáo, nhất là những nhà trẻ tư nhân mà không có đăng ký”.

Dịch tay chân miệng năm nay tăng cao hơn so với 2, 3 năm trước rất nhiều, số ca nặng cũng tăng.

Hiện nay, thời tiết bắt đầu mưa nhiều, khí hậu ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tay chân miệng dễ lây lan. Ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, Nha Trang… tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư đông đúc, du khách đến nhiều nên dự báo bệnh tay chân miệng có thể gia tăng và diễn biến phức tạp.

Bác sỹ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Định cho biết, chỉ trong vòng 10 ngày qua, tỉnh này phát hiện 6 ổ dịch tay chân miệng với hơn 80 ca mắc, nâng tổng số ca bị bệnh tay chân miệng lên gần 520 ca.

Ông Lân nói rằng, lo ngại nhất là một bộ phận người dân còn chủ quan, thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng chống bệnh tay chân miệng.

“EV71 năm 2017 không có trường hợp nào dương tính nhưng năm nay thì chiếm đến 37,8%. Nói chung phòng chống dịch không có khó khăn gì lớn chỉ có điều kiện sinh hoạt và ý thức vệ sinh của người dân còn hạn chế, mà tay chân miệng lây lan nhiều đường, khả năng lây lan lớn nên tập trung xử lý các hộ gia đình có ca bệnh và các ổ dịch”, Bác sỹ Bùi Ngọc Lân nói.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ ở miền Trung đang bắt đầu vào mùa. (Ảnh minh họa)

Tại thành phố Đà Nẵng, qua giám sát, xét nghiệm gần 300 mẫu bệnh phẩm tay chân miệng, hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với EV71, gây biến chứng có thể tử vong. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát ở thành phố này là rất cao.

Theo số liệu từ Bệnh viện Sản-Nhi Đà Nẵng, từ cuối tháng 9 đến nay, trung bình mỗi tuần Bệnh viện tiếp nhận điều trị hơn 100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 1/3 bệnh nhân đến từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi…., nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Bệnh viện đã thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn và cách ly bệnh nhân; bố trí khu phòng khám riêng biệt kết hợp tư vấn tại chỗ, khu cách ly bệnh nặng 1 chiều theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và thành lập thêm khu B để điều trị bệnh nhẹ...

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế, Đà Nẵng cũng đã tổ chức ký kết kế hoạch liên ngành giữa Trung tâm Y tế với Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện lưu ý các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác truyền thông về phòng chống bệnh tay chân miệng chưa đến với cộng đồng dân cư, nhóm trẻ; công tác xử lý ổ dịch còn bất cập; một bộ phận người dân và cơ sở chăm sóc trẻ chưa làm tốt khâu vệ sinh vật dụng, đồ chơi cho trẻ…

Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng khuyến cáo: Hiện nay có nhiều ca biến chứng nặng có thể gây tử vong cho trẻ. Vì vậy lưu ý người dân, đặc biệt là cô nuôi dạy trẻ phải rửa tay bằng xà phòng, nước sạch, nhất là trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh; Ăn uống chín, môi trường thông thoáng, khử trùng phòng học, đồ chơi, không cho trẻ dùng chung đồ dùng sinh hoạt; khi trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng phải cách ly kịp thời, tránh lây lan./.