Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam Bộ Y tế tổ chức chiều 10/10.

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch bệnh năm nay tương đối ổn định, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng thấp hơn 20%, sốt xuất huyết thấp hơn khoảng 55%, số ca sởi cũng thấp hơn. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là khu vực phía Nam, Cục Y tế dự phòng đã chủ động đi trước không để dịch bệnh không bùng phát. Đối với bệnh sởi, việc tiêm vét, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao cần tiến hành tiêm vét trong tháng 12 và tháng 1/2019.

tay_chan_mieng_da_sua_igey.jpg
(Ảnh minh họa: KT)
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, tỷ lệ lây truyền bệnh sởi rất cao, nếu trong cộng đồng chưa được tiêm chủng thì tỷ lệ lây lên đến 90%. Tại khu vực phía Nam, tình hình mắc sởi liên tục tăng cao, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đông Nam bộ, như tại Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM…. Tại những khu vực nguy cơ cao này, tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 và mũi 2 chưa đạt như mong muốn, một số nơi trẻ mắc sởi không được cách ly.

Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TPHCM, dịch bệnh năm nay có chiều hướng phát sinh ở các khu vực các khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động liên tục. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch vô cùng kém là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, có đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Do đó, Viện trưởng Viện Pasteur khuyến cáo, các địa phương cần vận động sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào việc phòng chống dịch bệnh./.