Trống tan, chị N.T.T, giáo viên trường THCS Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội) nhanh chóng chào cả lớp, xách cặp chạy vội ra nhà để xe. Hôm nay chị T. nhận dọn nhà theo giờ. Điều trùng hợp là con chủ nhà từng học lớp do chị chủ nhiệm.
Trên chiếc xe máy cũ mòn lốp, chẳng biết gió tạt vào mắt hay tủi thân mà chị khóc. Đến nơi, phụ huynh sững sờ khi biết người giúp việc chính là cô T. chủ nhiệm năm xưa. Họ ái ngại mời chị ngồi chơi. Chị cảm ơn, uống cốc nước rồi nhanh nhẹn bắt tay vào việc. Phụ huynh không đành lòng, đứng đó nhìn chị rồi thở dài.
Sau hai tiếng, chị T. hoàn thành công việc. Trước khi ra về, chị xoa đầu đứa nhỏ rồi dặn dò học hành chăm chỉ. Đứa trẻ buồn rầu, nhìn cô và hỏi: “Cô ơi, sang năm cô còn dạy ở trường nữa không?”.
“Cô không biết trước được. Nhưng nếu cô không dạy học nữa, thì có thắc mắc gì về môn Sử em có thể hỏi cô nhé”, chị T. quay mặt đi, nghẹn ngào nói.
Chị lại đến nhà một đồng nghiệp trong trường nhận chăm sóc người già.
Nhiều giáo viên biết hoàn cảnh của chị lương thấp, mà một nách 3 con nên họ chủ động nhận việc cho chị. Có hôm học sinh đến nhà giáo viên để học thêm, tình cờ thấy cô T. đang lau nhà. Có đứa chạy đến ôm cô cứ thế khóc nức nở. Rồi cả trường biết chuyện cô T. phải làm giúp việc sau giờ lên lớp, ai cũng thương chị.
Tốt nghiệp sư phạm năm 2000, chị T. về địa phương nhận công tác. Khóa học sinh đầu tiên phần lớn lập gia đình. Nhiều người có con tiếp tục học cô T. nhưng bao năm qua mức lương và cuộc sống của chị vẫn dậm chân tại chỗ.
Tiếng là giáo viên nhưng chị chưa được vào biên chế, nên mức lương hợp đồng vỏn vẹn 1,3 triệu đồng/ tháng. Lương thấp, lại nuôi 4 miệng ăn buộc chị phải làm thêm ngoài giờ. Mùa hè chị đi cấy, gặt thuê, hái lá sen, chăm lợn gà, dán áo mưa. Mùa đông chị nhận giúp việc, chăm sóc người nhà, làm vàng mã.
Vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ chị có ý định bỏ nghề. Gia đình chồng từng chỉ thẳng mặt nói chị chỉ lo công việc không kiếm được tiền, đánh đuổi chị đi. Chị ôm 3 con về nhà ngoại rau cháo sống qua ngày.
Cầm tập giấy khen trong tay, chị tự hào kể về nghề giáo viên. Chị nói nếu không yêu nghề chắc chắn bỏ dạy từ lâu. Công việc này lương thấp lại vất vả. Trong khi chị đi làm thêm một tháng thu nhập cũng được vài triệu đồng, gấp 5 lần lương giáo viên.
Có những ngày đi làm thuê vất vả nhưng đến lớp thấy học trò tròn xoe mắt chăm chú nghe giảng, mệt mỏi trong chị đều tan biến. Đối với chị, đi dạy là hạnh phúc lớn nhất.
Gần nhà chị T. có cô giáo N.T.H cũng dạy hợp đồng được 21 năm. Mức lương hợp đồng cô H đang nhận là 1,3 triệu đồng/ tháng, chỉ đủ chi tiêu lặt vặt. Đồng lương eo hẹp, chị H. làm đủ nghề, như đan giỏ hoa, làm vàng mã, rửa bát cho quán ăn…Có những hôm ngồi ôm con, nghĩ về đời mình, về công việc và mức lương chị lại khóc.
Những ngày đông giá lạnh, chị và đứa lớn cặm cụi ngồi dán vàng mã đến tối. Cơm xong chị đến một quá ăn ở thị trấn rửa bát, lau chùi với tiền công 15.000 đồng/ giờ. Về nhà đã khuya, chị ho húng hắng nhưng vẫn phải ngồi căng mắt soạn giáo án.
Thấy mẹ chưa ngủ, đứa lớn sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Con nhiều lần khuyên chị bỏ nghề nhưng chị đều gạt đi: “Con biết gì mà tham gia”. Thực lòng, đứa trẻ lớn lên bên những trang giáo án và tiếng đọc bài của mẹ cũng một thời ước mơ trở thành giáo viên. Nhưng khi lớn, thấy mẹ tâm huyết với nghề mà vẫn sống trong cảnh túng thiếu, cô bé thề sẽ không bao giờ theo nghề giáo.
Cuộc đời chị như một trang giáo án nhòe mực, gia đình tan vỡ, kinh tế khó khăn. Bốn mẹ con chị bồng bế nhau đi ở nhờ cặp vợ chồng tốt bụng trong xóm.
Nhà cách trường 15km nhưng chị không có nổi một chiếc xe máy để đi làm cho đỡ cực. Mỗi sáng, đám trẻ trong làng lại thấy cô H. lọc cọc chiếc xe đạp đến trường. Vất vả là thế nhưng chưa một ngày chị xin nghỉ dạy.
Chị tâm sự, nhiều người dạy thêm mới có thu nhập, chứ môn Địa lý ở quê không dạy thêm được và bao năm nay chị vẫn sống mòn với mức tiền lương lẹt đẹt trên dưới 1 triệu đồng.
So với nghề giáo, nghề phụ hồ đôi khi còn có giá hơn. Người phu hồ một tháng có thu nhập 6-7 triệu đồng cao gấp nhiều lần so với lương giáo viên. Tuy nhiên chừng nào còn gắng được chị vẫn cố đi dạy vì đây là đam mê, ước mơ từ nhỏ của chị.
“Tôi luôn nói với các con trừ khi mẹ chết đói ngoài đường, mắt lòa, chân què thì phải chịu. Chừng nào còn đi dạy được, mẹ sẽ không bỏ nghề”, chị H. nói./.