Tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Bắc Giang, chuyên ngành Vật lý từ năm 2000, không phải chật vật tìm kiếm việc làm như nhiều đồng nghiệp, thầy giáo Trần Bá Minh, tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, trường THCS Lê Quý Đôn, TP Bắc Giang may mắn có ngay việc làm.
Với sự nhiệt tình và lòng yêu trẻ, thầy đã xung phong lên vùng núi cắm bản ở trường THCS xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, cách nhà 60km. Hồi đó, thầy Minh giảng dạy trong điều kiện hết sức khó khăn khi trường không có điện, không có nước sạch; lớp học và nhà ở đều bằng đất sét trộn với rơm.
Ở xã Sơn Hải có nhiều điểm trường lẻ nằm rải rác trên núi cao nhưng lại có hồ Cấm Sơn nằm lọt thỏm ở xung quanh núi nên nhiều đồng nghiệp của thầy ngày nào cũng phải chèo thuyền gần chục cây số qua hồ, rồi lại phải leo lên núi mới đến được nơi dạy học.
Không chỉ thiếu thốn về vật chất, đường sá đi lại không thuận lợi mà các thầy cô giáo còn thiếu thốn tình cảm khi phải sống xa gia đình nên vài tháng mới về thăm nhà được 1 lần.
Khó khăn là thế nhưng thầy Trần Bá Minh vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được đứng trên bục giảng, được thỏa mãn đam mê truyền lửa cho các thế hệ học trò.
Lương không đủ sống, nhiều thầy cô phải làm thêm
Sau 4 năm công tác ở vùng khó khăn, thầy giáo Trần Bá Minh may mắn được điều chuyển về xuôi, được giảng dạy ngay tại trung tâm TP Bắc Giang.
Thầy Minh tâm sự: “Tuổi trẻ với bao nhiệt huyết, hoài bão, ước mơ, chẳng ngại khó khăn, nhiều thầy cô luôn cố gắng hết mình để đưa các thế hệ học trò đến những đỉnh cao tri thức. Tuy vậy, khi đối mặt với cuộc sống gia đình; cơm, áo, gạo, tiền… đôi khi tôi cũng thấy tủi lòng”.
Đến nay, thầy Trần Bá Minh đã dạy học được 17 năm. Tính cả tiền lương, phụ cấp, thu nhập của thầy chỉ có 7 triệu đồng/tháng. Với số tiền trên, thầy Minh không đủ trang trải, chi tiêu nên vẫn phải dạy thêm ngoài giờ lên lớp.
Thầy giáo Trần Bá Minh (phải) và học trò trong lễ tuyên dương học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Bắc Giang (ảnh: NVCC) |
Không giống như thầy Minh là được kiếm thêm thu nhập nhờ chuyên môn của mình, nhiều giáo viên phải làm thêm các công việc khác như: nhận hàng thủ công từ một số công ty về nhà làm, bán hàng trực tuyến, thậm chí phải đi bán hàng đa cấp…
Một đồng nghiệp của thầy đã giảng dạy được 10 năm nhưng đến nay, lương chỉ có khoảng 4 triệu đồng/tháng. Vì không đủ trang trải cho cuộc sống, họ phải nhận đồ điện tử từ một công ty về nhà làm để có thêm 3 triệu đồng/tháng.
Tâm sự về mức lương, thầy giáo Trần Bá Minh cho biết, hiện nay, nhiều giáo viên dạy giỏi, có nhiều thành tích chỉ được lĩnh lương theo thang bậc quy định, chế độ đãi ngộ hầu như không có. Trong khi đó, lương của một công nhân mới đi làm cũng khoảng 7-8 triệu đồng/tháng; tổ trưởng của công ty có khi lên đến 20 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với lương của giáo viên hiện nay.
Thấp thỏm, lo lắng sợ mất việc làm…
Mức lương giáo viên thấp nhưng nhiều người tốt nghiệp sư phạm vẫn khó tìm kiếm việc làm. Thầy Minh cảm thấy xót xa và thương cảm cho những giáo viên trẻ khi họ phải liên tục lên các diễn đàn xã hội để tìm hiểu, thăm dò các trường học có nhận ký hợp đồng giảng dạy khi vào năm học mới không.
Hàng năm, các Sở GD-ĐT, trường học đều tuyển dụng giáo viên nên nhiều thầy cô giảng dạy theo dạng hợp đồng có thể phải nghỉ việc. Đặc biệt, có nhiều giáo viên trẻ ở vùng khó khăn khi hết hợp đồng giảng dạy 1 năm đều thấp thỏm, lo lắng không biết có được giảng dạy tiếp nữa hay không.
Vì vậy, đã có tình trạng giáo viên năm nay dạy ở trường học này thì sang năm phải tìm cơ hội giảng dạy ở trường rất xa nơi cư trú.
Thầy giáo Trần Bá Minh và học trò tại một lễ tổng kết năm học (Ảnh: NVCC) |
“Nếu được chọn lại nghề, thầy có chọn nghề giáo nữa hay không?”
Thầy Minh trải lòng: “Chắc chắn là vẫn chọn, tôi yêu nghề và sẽ cống hiến hết mình cho giáo dục. Tôi nghĩ, thực tại của ngành giáo dục không dễ giải quyết một sớm một chiều. Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành vẫn đang từng bước quan tâm, đưa giáo dục về đúng vị thế là quốc sách hàng đầu…”.
Trước thực trạng giáo viên giảng dạy cấp Tiểu học và THCS về cơ bản đã đủ, nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp không tìm kiếm được việc làm hay phải làm trái ngành nghề nhưng các trường ĐH, CĐ sư phạm vẫn đang ồ ạt tuyển sinh, điểm đầu vào thấp, thầy giáo Trần Bá Minh cũng cảm thấy cần có những giải pháp thay đổi quyết liệt.
Theo thầy Minh, Bộ GD-ĐT nên có sự rà soát tổng thể và cân đối số lượng giáo viên trong các năm học tiếp theo để giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH sao cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp là có việc làm.
Ngoài ra, Bộ cũng cần tham mưu với các Bộ ngành và Chính phủ tăng lương và chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Có như vậy, ngành Giáo dục mới thu hút được sinh viên giỏi vào trường sư phạm./.