Chiều 15/3, Bộ LĐ-TB-XH công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 4/2017.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, năm 2017, cả nước có 125.000 doanh nghiệp được thành lập mới, 25.000 doanh nghiệp tạm dừng đã hoạt động trở lại.

Môi trường kinh doanh được cải thiện đã phần nào tạo nên những điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động.

vov_lao_dong_1_jyad.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Nhận định chung, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết quý 4/2017 có nhiều điểm thuận lợi trong thị trường lao động.

Cụ thể như quy mô nhóm lao động có trình độ CĐ, ĐH tăng. Chuyển dịch lao động tích cực, tỉ lệ lao động làm công ăn lương tăng. Số lượng lao động các ngành tăng, thất nghiệp giảm ở nhiều ngành so với quý 3/2017.

Khảo sát của Bản tin thị trường cho thấy, mức thu nhập tăng cao nhất ở nhóm có trình độ sơ cấp (351.000 đồng, tương ứng với 5,8%), tỷ lệ tăng thấp nhất là nhóm có trình độ cao đẳng (5,75 triệu đồng, tương ứng với 1,7%).

Về thu nhập, mức bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương tăng nhẹ so với quý 3/2017. Tuy nhiên, mức tăng này chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế cùng kỳ.

Vấn đề này, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội lý giải: “Có lẽ điều này thể hiện độ “trễ” giữa thực tế và điều chỉnh chính sách. Tôi hy vọng những tác động sẽ có hiệu quả cụ thể hơn trong quý 1/2018”. 

Trong quý 4/2017, thu nhập bình quân tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương được thống kê đạt 5,41 triệu đồng, (chiếm 98,4% tổng thu nhập), tăng 45.000 đồng (0,8%) so với quý 3/2017 và tăng 329.000 đồng (6,5%) so với cùng kỳ năm 2016.

Khoảng cách thu nhập giữa nhóm có thu nhập cao nhất (trình độ đại học trở lên) với thấp nhất (trình độ trung cấp) tăng lên, từ 1,33 lần lên 1,36 lần so với quý /2017.

Khảo sát của Bản tin, thu nhập của người lao động trong hầu hết các ngành đều tăng nhẹ so với quý 3/2017 và cùng kỳ năm trước, trừ một số ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ và dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm nhẹ./.