“Mỗi khi nhìn hình ảnh bạn bè chia sẻ trên facebook, nào là cảnh sắm Tết nhộn nhịp, cảnh khăn gói về quê ăn Tết, em lại thấy buồn. Là con trai, nên em không khóc, chứ mấy chị em làm cùng chỗ em những ngày này cứ nước mắt ngắn nước mắt dài, nhất là những bạn mới sang đây năm đầu tiên”, Nguyễn Hữu Lợi – lao động Việt Nam tại Nhật Bản kể.
Vào dịp Tết tại Việt Nam, Nguyễn Hữu Lợi vẫn đang bận rộn với công việc tại công ty. (Ảnh: NVCC)
Sinh ra và lớn lên tại Hải Dương, sau khi học phổ thông, Lợi từng đi làm tại vài công ty, nhưng thu nhập vẫn mãi lẹt đẹt, anh quyết tâm sang Nhật xuất khẩu lao động. Đây đã là năm thứ 2, Lợi đón năm mới nơi đất khách quê người. Trong những ngày cận kề năm mới, chàng trai 23 tuổi vẫn không khỏi nhớ quê.
“Năm đầu sang đây, thời khắc giao thừa ở Việt Nam, xem bắn pháo hoa trên TV, nghe bài Happy new year em chỉ muốn về nhà ngay lập tức, đến năm nay đã quen hơn. Tết không vào ngày nghỉ, nên lao động Việt Nam ở đây vẫn phải làm việc bình thường. Em thấy cũng may vì bận rộn cũng tốt, sẽ không còn thời gian để nhớ nhà”, Lợi chia sẻ.
Lợi kể, tại xứ người, cũng bánh chưng, cũng thịt gà, canh miến… đấy, nhưng khác xa với vị quê nhà. “Bánh chưng ở đây chúng em thường đặt mua qua mạng. Vì là vùng nông thôn, nên vận chuyển cũng mất thời gian, bánh đến nơi cũng không còn ngon nữa, nhưng vẫn đặt mua để có chút không khí Tết”.
Giống như Lợi, chị Phạm Thị Hoàn (33 tuổi, Thanh Hà, Hải Dương) năm nay cũng phải đón Tết nơi xứ sở phù tang. Tất bật về phòng trọ sau khi hoàn thành công việc, chị Hoàn chia sẻ, Tết năm nay xa quê, vẫn buồn y như những năm trước, nhưng rồi chị lại tặc lưỡi, tự an ủi mình: “Thôi cố làm, lấy tiền về cho chồng cho con. Còn hơn 6 tháng nữa, sẽ đáo hạn hợp đồng, lại được về với gia đình”.
Nói đến chuyện Tết nhất, chị Hoàn rưng rưng: “Mỗi lần Tết đến lại nhớ nhà lắm. Phải xa quê mới hiểu được tâm trạng những ngày này khi không được ở bên bố mẹ, chồng con. Ngày thường thì cũng quen dần, nên bớt nhớ, nhưng cứ đến ngày Tết, đi làm lúc nào cũng tưởng tượng rằng, ở nhà lúc này mọi người đang làm gì. Thế rồi tự nhiên bật khóc rưng rức”.
Lênh đênh đón tết xa nhà
Tết năm nay, chị Hoàn không được nghỉ, và cũng không dùng phép trong năm để xin nghỉ theo lịch Tết tại Việt Nam. Những năm trước, nếu ngày Tết trùng với ngày nghỉ, chị Hoàn lại cùng những chị em khác tổ chức ăn uống đơn giản tại nhà cho đỡ nhớ quê. Tết của những lao động trong xóm trọ của chị Hoàn không bánh chưng, không hoa đào, bánh mứt, quan trọng là được ngồi quây quần bên nhau, để vơi đi nỗi nhớ khi xa quê.
“Những thứ ở quê có sẵn, thì sang đây lại hiếm, đắt đỏ. Bánh chưng cũng gần 300.000/ chiếc, nên những người đã có gia đình như chúng tôi thường hiếm khi mua. Chắt bóp được đồng nào cho chồng cho con thì hay đồng ấy”, chị Hoàn tâm sự.
Buổi tối sau khi đi làm về, mỗi người trong phòng chị lại tranh thủ gọi video call cho gia đình qua facebook, bởi vậy mà nỗi nhớ nhà cũng phần nào được nguôi ngoai. Các chị vẫn nói vui với nhau rằng năm nào cũng ăn Tết to lắm, nhưng là Tết qua facebook, zalo…
4 năm làm việc tại Hàn Quốc, thì 2 năm nay, anh Trần Hữu Thành không được về quê ăn Tết cùng gia đình. Anh Thành chia sẻ, tại Hàn Quốc, năm nay chỉ được nghỉ 4 ngày, thời gian ngắn, chi phí đi lại tốn kém, nên anh đành ngậm ngùi chấp nhận một cái Tết nữa xa quê.
Đã bước sang năm thứ 4 tại xứ sở kim chi, anh Thành vẫn bùi ngùi nhớ Tết Việt. Vợ làm công nhân trong một công ty nhỏ, thu nhập cũng bấp bênh, bởi vậy mà anh Thành quyết tâm sang Hàn Quốc làm việc mong có thể cải thiện kinh tế cho gia đình. Mỗi tháng làm được bao nhiêu tiền, trừ những khoản chi tiêu tiết kiệm, anh Thành lại gửi cả về cho vợ. Tết nơi xứ người, nỗi buồn, tâm trạng nhớ nhà là điều khó tránh, thế nhưng nghĩ đến vợ con, anh lại tự nhủ cố gắng làm việc để sớm được trở về với gia đình.
“Gọi về cho vợ qua facebook, nhìn các con ngày Tết được tấm áo tấm quần mới, mọi thứ đầy đủ hơn trước, mình có nhớ nhà, thì cũng thấy có động lực hơn”, anh Thành bộc bạch.
Làm giúp việc gia đình tại đảo Síp, đã gần 10 năm nay, chị Nguyễn Lương Hiền, không được ăn Tết tại quê nhà Nam Định. Khác biệt về văn hóa, lại không thường xuyên được gặp người Việt, nên chị Hiền vẫn luôn có cảm giác “thèm người Việt”. Mỗi độ Tết về, cảm giác ấy lại tăng lên gấp bội.
“Tết bên này, mà được ngồi tụ tập cùng các chị em Việt Nam mình thì hiếm lắm, vì đa số đều làm giúp việc gia đình. Những ngày này, không phải ngày lễ bên đây, nên cũng thường không được nghỉ. Nhiều lúc nghĩ cùng tủi thân lắm, nhưng Tết thì càng buồn hơn, chăm sóc cụ già, mà lại nghĩ mình cũng có bố mẹ già, nhưng ngót chục năm nay chưa được gặp bố mẹ, ông bà lủi thủi ở nhà một mình vì con cái cũng đi làm ăn xa cả”, chị Hiền chia sẻ.
Với những lao động xa quê như chị Hiền, niềm vui, động lực lớn nhất để vượt qua những nỗi buồn, nhớ nhà ngày Tết là được nhìn thấy những người thân yêu hạnh phúc. Trong thời khắc thiêng liêng, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi mọi người cùng quay quần bên mâm cơm gia đình, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp cho một năm mới, ở đâu đó, tại các quốc gia khác trên thế giới, hàng ngàn lao động người Việt vẫn đang mong ngóng, hướng về quê hương./.
Có nên xuất khẩu lao động chất lượng cao khi trong nước vẫn thiếu?