Sáng 25/4, tại phiên họp lần thứ  6, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chính thức xin lùi thời hạn trình Quốc hội Dự thảo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tích cực hoàn thiện hồ sơ về đổi mới chương  trình, SGK giáo dục phổ thông theo các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 14/4.

Việc hoàn thiện và thẩm định bộ hồ sơ này trước khi gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải có thời gian, nên không kịp hoàn thành để phục vụ cho phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội vào ngày 25/4.

Số tiền để thực hiện Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 cần phải được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như những cơ quan có thẩm quyền khác xem xét, thẩm định kỹ lưỡng trước khi trình lên Chính phủ, Quốc hội xem xét.

sgk-1.jpg
Tại phiên họp lần thứ  6, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội diễn ra sáng 25/4, Bộ GD-ĐT xin rút không thảo luận về Dự thảo Đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015

Trước đề xuất lùi thời hạn trình Quốc hội Dự thảo Đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ quan điểm nhất trí với đề xuất trên của Bộ GD-ĐT.

Theo đánh giá của ông Đào Trọng Thi, hồ sơ mà Bộ GD-ĐT được Chính phủ ủy quyền trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đầy đủ, chưa có báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình, SGK phổ thông giai đoạn trước, báo cáo tác động của chương trình SGK tới xã hội cũng rất sơ sài.

Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nhận định, quy trình biên soạn chương trình, SGK phổ thông hiện hành ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học; không có tổng chủ biên chương trình, SGK chung; thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, phối hợp, bảo đảm vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên soạn, triển khai thực hiện; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế; chưa tổ chức một cách hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là các giáo viên trực tiếp giảng dạy các cấp học. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có sự phân tích sâu sắc để đề xuất các giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.

Vì vậy, việc lùi thời gian trình Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 là hợp lý để Bộ có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước khi trình lên các cơ quan thẩm quyền cao hơn.

Theo kế hoạch trước đó, sau khi Bộ GD-ĐT báo cáo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (vào ngày 14/4) thì tại phiên họp toàn thể ngày 25/4, Ủy ban Văn hóa- Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thẩm tra chính thức về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, chuẩn bị cho việc trình ra Quốc hội tại kỳ họp sẽ khai mạc vào tháng 5 tới.

Tuy nhiên, sau khi Bộ GD-ĐT báo cáo tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau 2015 đã bị dư luận xã hội phản ứng, đặc biệt là về thông tin cần tới trên 34.000 tỷ đồng để  đổi mới chương trình, SGK phổ thông. 

Ngay sau đó, trong chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời” ngày 20/4, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận sơ suất của ngành trong việc công bố số tiền 34.000 tỷ đồng và khẳng định, số tiền trên là do Bộ tập hợp ý kiến từ các nhóm chuyên gia nghiên cứu khác nhau. Số tiền không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì những bất cập nêu trên, Bộ GD-ĐT đã chính thức xin lùi thời hạn trình Quốc hội Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015./.