Trong chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời” ngày 20/4, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận sơ suất của ngành trong việc công bố số tiền 34.000 tỷ đồng và khẳng định, số tiền trên là do Bộ tập hợp ý kiến từ các nhóm chuyên gia nghiên cứu khác nhau. Số tiền không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện lộ trình Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo, việc đổi mới chương trình, SGK là cần thiết. Để có sức thuyết phục, Đề án phải được nghiên cứu, cân nhắc và trình duyệt nhiều lần từ cấp dưới trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và phê duyệt.
Thay vì "chạy" theo giải trình số tiền lớn, Bộ GD-ĐT nên tập trung nguồn lực vào biên soạn những bộ sách giáo khoa đạt chất lượng cao (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, với một Đề án lớn có tầm ảnh hưởng quốc gia và tạo nền tảng cho thay đổi cơ bản nền giáo dục như vậy mà Bộ chưa trình lên Bộ Tài chính và Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xem xét, thẩm định trước mà đã đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận là sai quy trình.
Quy trình làm việc “ngược” này không phải là lần đầu tiên mới xảy ra ở các Bộ, ngành mà gần đây nhất, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã bị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê bình khi báo cáo và giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước về việc đăng cai Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) trước khi trình Chính phủ. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT không lấy vấn đề đó để rút kinh nghiệm mà còn lặp lại sai phạm.
Chúng ta không nên có cái nhìn một chiều về việc Bộ GD-ĐT trình Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK sau 2015 kèm theo công bố dự toán về số tiền để thực hiện. Thế nhưng, nếu Bộ đưa ra con số quá cao mà chưa có sự thẩm định kỹ lưỡng và thông qua từ các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ khiến dư luận xã hội hoang mang, hồ nghi là điều cần rút kinh nghiệm.
Một vấn đề khác khiến dư luận quan tâm trong những ngày gần đây là tính hiệu quả của dự toán số tiền dùng để biên soạn SGK. Theo một số giáo sư, chuyên gia đã từng viết SGK, nhuận bút cho tác giả viết SGK hiện nay là 1-2 triệu đồng/tiết biên soạn thì tiền trả cho việc viết sách Toán 12 lớp cấp phổ thông cũng chưa đến 3 tỷ đồng. Nếu tính đồng bộ viết toàn bộ SGK chương trình phổ thông cho 10 môn học từ lớp 1-12 chỉ mất chưa đến 30 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền 105 tỷ đồng chỉ dành cho biên soạn SGK mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đưa ra hay như cán bộ của một Vụ thuộc Bộ trình bày tại cuộc họp báo ngày 15/4 là tốn khoảng 5.000 tỷ đồng thật sự phi lý, quá xa so với thực tế.
Hơn nữa, với số tiền 20.100 tỷ đồng dự toán để cung cấp trang thiết bị dạy học cũng chưa hoàn toàn phù hợp, khi mà hàng lô trang thiết bị trường học đưa về các địa phương chưa sử dụng đã phải đắp chiếu do hỏng hóc, không phù hợp với chương trình giảng dạy?
Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước năm 2013 ở mức 5,3% GDP, vượt mức 4,8% đã dự toán. Trong thời kỳ kinh tế của thế giới và trong nước vẫn còn ở giai đoạn khó khăn, dư luận hoang mang, lo lắng với số tiền không tưởng 34.000 tỷ đồng cho Đề án đổi mới chương trình, SGK mà Bộ GD-ĐT đưa ra là điều hết sức bình thường.
Thiết nghĩ, thay vì quan tâm về số tiền để thực hiện Đề án, điều trước tiên Bộ GD-ĐT cần làm là, việc biên soạn SGK phải làm sao tiết kiệm nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng chương trình, cung cấp đủ kiến thức cho người học nhằm hướng tới một nền giáo dục chất lượng, hiệu quả hơn./.