Sáng nay, tại Hà Nội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư tổ chức buổi Toạ đàm “Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước”.
Gần 100 luật sư tham gia toạ đàm đánh giá, sau hơn 3 năm thực thi, luật đã nhất thể hóa pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, các cơ quan Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Nguyên nhân chính là do các quy định pháp luật về trình tự thủ tục khá phức tạp, chưa tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường như: quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Hay không ít cơ quan thẩm quyền thường cố ý hoặc vô tình kéo dài thời gian giải quyết bồi thường, gây phiền hà mệt mỏi cho cá nhân hoặc tổ chức đòi bồi thường. Giải đáp vấn đề khi thực thi công vụ, có trường hợp cán bộ, công chức sợ trách nhiệm bồi thường nên né tránh không ra quyết định xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và kéo dài thời gian nên thường hay dẫn đến đã sai càng sai.
Bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước- Bộ Tư pháp cho biết: Công cụ là pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhưng phải căn cứ vào từng giải đoạn chứ không phải yêu cầu bồi thường là đến đúng cơ quan có trách nhiệm bồi thường mà trong từng giai đoạn có cơ quan khác giải quyết. Chế tài trong trường hợp cố ý ko giải quyết thì cơ quan có thẩm quyền phán xét theo quy định pháp luật. Với một cơ chế để đảm bảo bớt đi tâm lý sợ trách nhiệm theo luật này bên bồi thường phải là Nhà nước chứ không phải cá nhân ai cả rồi sau đó mới đến cá nhân ở mức độ, số tiền hoàn trả thấp nhất là 1 tháng lương, cao nhất là 36 tháng lương mà đấy phải là lỗi cố ý./.