Sáng nay (18/9), Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ, ban, ngành trung ương về dự thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị TP HCM. Dự hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải…

Các đại biểu dự hội nghị cho rằng: đưa ra đề án chính quyền đô thị, TP HCM đã chứng tỏ được tính chủ động, mạnh dạn, sáng tạo trong việc đề nghị và ứng dụng những cái mới, phù hợp với thành phố. Trước khi trình Chính phủ, dự thảo đề án đã được đưa ra để nhiều tầng lớp nhân dân đóng góp và ghi nhận hơn 1.000 ý kiến cụ thể. Dự thảo đề án cũng cần nghiên cứu kỹ hơn để phù hợp với phần chính quyền đô thị được đề cập trong sửa đổi Hiến pháp sắp tới. Đồng thời, nên có thêm những nhánh nhỏ để từng bộ, ban, ngành có thể tham gia góp ý sâu hơn, chứ không chỉ nói về tổ chức HĐND,UBND như hiện nay.

Thiếu tướng Phan Văn Giang, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nói: Nếu chính quyền đô thị mới được lập ra ở thành phố hơn 10 triệu dân này thì việc của chúng tôi cũng rất lớn. Chúng tôi phải hình thành theo, việc tổ chức lực lượng của chúng tôi cũng rất khác. Chính vì vậy, chúng tôi thấy là nên có những đề tài nhánh để các lực lượng chuyên ngành có thể tham gia sâu. Chúng tôi cũng đề nghị HĐND thành phố cũng phải quy định nhiệm vụ quốc phòng cụ thể ở từng địa phương, từng loại hình.

Đi vào các vấn đề cụ thể, nhiều đại biểu góp ý: TP HCM cần nêu được những khó khăn cơ bản nếu đề án được triển khai và cách giải quyết những khó khăn đó. Cụ thể như: cơ chế lãnh đạo, quản lý của chính quyền với  việc “thành phố trong thành phố” khi đề nghị thành lập 4 thành phố Đông- Tây- Nam- Bắc; nội dung đề án đang trái với hơn 100 văn bản pháp luật hiện hành, cơ chế tài chính trong mối quan hệ giữa chính quyền thành phố và chính quyền trung ương, làm thế nào để đảm bảo vai trò của các đoàn thể…

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị cho biết: Các vấn đề phân cấp xác định rõ việc gì của Trung ương, việc gì Trung ương và địa phương cùng làm hay là Trung ương ủy quyền cho địa phương làm, địa phương có quyền gì riêng trên cơ sở toàn bộ các mặt tài chính, ngân sách, kinh tế, đầu tư, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… Đấy là nội hàm, nội dung chính của đề án mà chúng tôi đang vướng. Đó cũng là để làm sao có thí điểm sắp tới, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo làm rõ dân muốn gì và chính quyền phải làm gì, đảm bảo thể chế chính trị Đảng lãnh đạo, đàm bảo tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính./.