Sáng 13/9, tại Hà Nội, báo Nhân dân, Bộ Nội vụ và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam. Các tham luận trình bày tại Hội thảo về tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam trước Cách mạng tháng 8/1945, mô hình tổ chức chính quyền đô thị nước ta từ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay; một số vấn đề cơ bản về tổ chức chính quyền đô thị, mô hình tổ chức chính quyền đô thị trong tổng thể mô hình chính quyền địa phương hiện nay. 

hoi-thao_copy.jpg
Hội thảo "Tổ chức chính quyền đô thị Việt Nam" (Ảnh: Lan Hương)

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng tốc độ phát triển đô thị đang tăng nhanh và phạm vi đô thị ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, do mô hình tổ chức bộ máy chính quyền các cấp duy trì trong thời gian dài nên chưa theo kịp thực tiễn, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước. Do vậy, việc tổ chức lại mô hình tổ chức chính quyền đô thị là điều cần thiết. Tuy nhiên, để tổ chức chính quyền thích ứng với các điều kiện đô thị hiện nay ở nước ta, các ý kiến cho rằng cần thay đổi tư duy về tổ chức chính quyền địa phương nói chung và chính quyền đô thị nói riêng; tổ chức chính quyền đô thị cần xem xét đến vấn đề phân cấp quản lý; Xây dựng mô hình chính quyền đô thị phải phù hợp với sự phát triển không đồng đều ở các địa bàn đô thị, đang đô thị hóa và địa bàn nông thôn; thể hiện đặc điểm của một chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời, cần xây dựng bộ máy quản lý hành chính nhà nước chuyên nghiệp, tinh gọn, đội ngũ cán bộ công chức có phẩm năng lực, trình độ cao. 

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vấn đề tổ chức chính quyền địa phương hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cần căn cứ vào những quy định hiện hành trong Hiến pháp, xác định được nguyên tắc phân cấp trong tổ chức chính quyền địa phương, đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện pháp luật và đảm bảo tính tự chủ ở mỗi địa phương./.