Thông tin tại hội thảo “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp – cơ hội và thách thức”, do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) tổ chức ngày 18/1 tại Hà Nội cho biết: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời ngày 31/12/2015 bao gồm 10 quốc gia với dân số 694 triệu người, trong đó hơn 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Theo đánh giá, hình thành AEC giúp thị trường lao động trong khối sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. 

3 quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% trong Cộng đồng là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Tuy nhiên, về chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của Việt Nam lại “đội sổ” khu vực.

Thừa thầy thiếu thợ

TS. Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề thừa nhận, tuy có số lượng đông thứ 3 trong AEC, nhưng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Theo đó, số lượng qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 20,6%. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam đang thiếu rất nhiều lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Phần lớn người sử dụng lao động cho biết tuyển dụng công nhân rất khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm lao động trong một số ngành nghề cụ thể.

lao_dong_yzvq.jpg
Nếu các trường nghề không đổi mới chương trình đào tạo, nguồn lao động sẽ không bắt kịp trình độ các nước khu vực (Ảnh minh họa)

Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt là 5,76 ; 5,59 và 4,94.

Kết quả khảo sát từ các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy, doanh nghiệp trong khối đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của AEC. Gần 50% chủ sử dụng lao động được hỏi cho biết người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần, cử nhân đại học cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ cấu nhân lực lao động Việt Nam còn nhiều bất cập và ngày càng gia tăng. Tính đến quý II/2015, cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 1 đại học trở lên – 0,35 cao đẳng – 0,65 trung cấp – 0,4 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật những người lao động trực tiếp (trung cấp, sơ cấp) phải lớn hơn rất nhiều so với lao động gián tiếp (đại học). Vì tỷ lệ qua đào tạo thấp là một trong những lý do dẫn đến năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực.

Đào tạo vẫn theo chương trình “bảo thủ”

Theo Tổng cục Dạy nghề, để chuẩn bị cho đào tạo nghề Việt Nam hướng tới hội nhập AEC và quốc tế giai đoạn 2016 – 2020 cần đào tạo mới trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 6,7 triệu người (trong đó 25% đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN, quốc tế); sơ cấp và giáo dục nghề nghiệp dưới 3 tháng khoảng 10 triệu người (phần dạy nghề khoảng 2,3 triệu người, trong đó 10% đạt cấp độ quốc gia, ASEAN và quốc tế).

Tuy nhiên, TS. Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh: “Những hạn chế của nhân lực lao động Việt Nam đang trở thành gánh nặng, thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp bởi chức năng, nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp chính là đào tạo nhân lực lao động cho quốc gia. Chính vì thế, đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực, có những giải pháp, hướng đi phù hợp cho giai đoạn mới để hội nhập sâu rộng vào Cộng đồng ASEAN”.

Trong năm 2015 có 8 ngành nghề gồm: dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch được tự do di chuyển trong nội khối ASEAN. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.
TS. Phan Chính Thức, chuyên gia đào tạo nghề cũng bày tỏ lo lắng: “Xây dựng khung trình độ quốc gia về giáo dục và đào tạo là xu thế tất yếu của nền giáo dục hiện đại. Hội nhập khu vực là yêu cầu khách quan, là đòi hỏi, thúc ép phải công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ, kỹ năng nghề tương thích giữa các nước trong nội khối. Trong nhiều quốc gia ASEAN đã xây dựng khung trình độ quốc gia giáo dục nghề nghiệp  thì Việt Nam chưa có khung này với đặc trưng về các trình độ đào tạo”.

Các chuyên gia, đào tạo nghề ở ta chưa thực sự gắn với doanh nghiệp. Các trường nghề chưa có sự ràng buộc nào đối với doanh nghiệp trong cung cấp nhân lực, mà chỉ đào tạo theo kiểu “quan hệ quen biết”. Trong khi các trường nghề “trăm hoa đua nở” thì chất lượng lại ngược lại, không đạt chuẩn khi hội nhập, không thể cạnh tranh với các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, mức độ đầu tư của công ty vào đào tạo nhân lực/nhân viên của ta chỉ đạt 3,7/7 điểm, thấp nhất khu vực.

Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội thừa nhận: Các trường cao đẳng nghề của ta phải tuân thủ chương trình khung đã được ban hành, trong khi chương trình này lạc hậu, khác khá xa so với các nước trong khu vực. Trước yêu cầu hòa nhập, chúng ta không có tiêu chuẩn kỹ năng chung. Nếu nhà trường không đổi mới kịp thời để đáp ứng được các yêu cầu mới, thì nguồn lực do nhà trường đào tạo không những thua trong thị trường nội khối mà ngay cả thị trường lao động nội địa./.