Chiều 26/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) và Viện Trí Việt (thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, TP HCM) tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề “Phụ nữ lãnh đạo và bức trần vô hình” với sự hỗ trợ kỹ thuật của Deloitte Việt Nam.
Cuộc tọa đàm này được tổ chức tại 2 địa điểm: Hà Nội (26/3) và TP HCM (29/3), với thành phần diễn giả là những nữ lãnh đạo tiêu biểu – thành công và giàu kinh nghiệm đến chia sẻ bàn luận về các vấn đề trong thăng tiến sự nghiệp của nữ giới nói chung và những khó khăn họ gặp phải trên con đường vươn tới vị trí lãnh đạo nói riêng. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Viện trưởng Viện Trí Việt chủ trì cuộc tọa đàm.
5 diễn giả trên thảo luận các chủ đề lớn như: Vị trí lãnh đạo của phụ nữ Việt Nam trong các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu; Nhiều phụ nữ không giữ vai trò chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức hàng đầu – đâu là lý do?. Phải chăng phụ nữ không thích làm lãnh đạo? Hay là họ không đủ năng lực hoặc có rào cản vô hình?. Đánh giá, nhận định khách quan và những khó khăn chủ quan của phụ nữ trong việc vươn lên giữ vị trí then chốt của doanh nghiệp, tổ chức; Cần những đòn bẩy, biện pháp nào để tháo gỡ rào cản, tạo cơ hội và điều kiện cho phụ nữ thực hiện vai trò lãnh đạo…
Tại cuộc tọa đàm, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã đánh giá cao việc tổ chức cuộc hội thảo rất có ý nghĩa nói về vai trò của phụ nữ và cho rằng trong lịch sử từ cổ đại đến trung đại, gần như vai trò của phụ nữ được gắn chặt với việc làm vợ, làm mẹ và chăm sóc gia đình. Quan niệm nay đặc biệt phổ biến đối với phụ nữ Á Đông nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Bước sang thế kỷ 21, khi vai trò của phụ nữ được nhìn nhận khách quan hơn, hình ảnh người phụ nữ lãnh đạo, những người “chèo lái” cho các doanh nghiệp, các tổ chức đến các quốc gia đã không còn quá xa lạ với cộng đồng.
Tại Việt Nam, việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ đã được tiến hành mạnh mẽ từ giữa thế kỷ 20, thể hiện qua việc Việt Nam ký kết các công ước về phụ nữ và xây dựng Luật Bình đẳng giới cũng như qua việc phổ biến Kế hoạch và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, nhiệm kỳ hiện nay ở Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu ở mức thấp nhất kể từ năm 1997 khi chỉ còn 24% và chưa đạt được mục tiêu 30% như đã đề ra từ trước bầu cử năm 2011. Đối với Chính phủ, các vị trí chủ chốt vẫn chủ yếu do nam giới đảm nhiệm, cụ thể trong số 4 Phó Thủ tướng và 22 bộ trưởng chỉ có 2 bộ trưởng là nữ. Ở cấp tỉnh, huyện xã, các vị trí cao nhất của các cơ quan nhà nước vẫn vắng bóng phụ nữ. Trong các doanh nghiệp Việt Nam, nữ giới giữ vị trí lãnh đạo cấp cao chỉ chiếm dưới 25% và chỉ có duy nhất 1 nữ lãnh đạo trong Hội đồng quản trị của 12 tập đoàn nhà nước lớn nhất.
Vấn đề đặt ra là liệu phụ nữ Việt Nam đã thực sự phát huy được tối đa tiềm năng lãnh đạo của họ trong nền kinh tế nói chung và trong các doanh nghiệp nói riêng chưa?. Số lượng hạn chế của phụ nữ lãnh đạo trong cả khu vực công và tư ở một quốc gia như Việt Nam mà khuôn khổ pháp luật tạo điều kiện cho phát triển bình đẳng giới đến những quan điểm rằng phụ nữ chạm tới một “Bức trần vô hình” khi họ cố gắng vươn lên vị trí cao hơn. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Viện trưởng Viện Trí Việt nhấn mạnh: Bức trần vô hình miêu tả một rào cản không nhìn thấy được ngăn chặn phụ nữ đạt đến những thành công vượt bậc hơn, ngang bằng với nam giới. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, cuộc tọa đàm này không phải là đề tài nóng nhưng nó là vấn đề đi vào chiều sâu và thực chất…
So với các nước, tỷ lệ phụ nữ tham chính ở Việt Nam ở mức nào?. Theo báo cáo của Liên minh Nghị viện Thế giới, tại thời điểm cuối năm 2011, tỷ lệ phụ nữ tham chính tại Việt Nam đứng thứ 43 trên thế giới, giảm so với thứ 36 vào năm 2010 và 2009… Trong số 7 quốc gia: Trung Quốc, Cuba, CHDCND Triều Tiên, Lào, Arab Sarauy, Turkmenistan và Việt Nam, Việt Nam đứng thứ 3 về tỷ lệ phụ nữ tham chính cấp quốc gia (24,4%). CHDCND Lào và Cuba có tỷ lệ phụ nữ tham chính lần lượt 25% và 45%. Trung Quốc có tỷ lệ phụ nữ tham chính ở cấp địa phương rất cao, 43%./.