“Khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ ngày càng tăng ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động  trong nước ở mức cao so với thế giới”. Đây là thông tin do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố nhân ngày Quốc tế Phụ nữ.

lao%20dong%20nu.jpeg
Ảnh minh họa
Khoảng 72% phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam và tỷ lệ này cao hơn phần lớn các nước khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một trong số ít quốc gia có khoảng cách lương về giới ngày càng tăng, ngược với xu hướng giảm ở phần lớn các nước khác trong giai đoạn 2008-2011 so với giai đoạn 1999-2007.

Theo báo cáo lương toàn cầu 2012-2013 của ILO, khoảng cách thu nhập theo giới của Việt Nam tăng 2% trong giai đoạn vừa qua. 

Theo số liệu năm 2011 của Tổng cục thống kê, thu nhập của phụ nữ thấp hơn nam giới 13%. Khảo sát lương công nhân trong các doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) thực hiện trong năm 2012 cũng cho thấy lương của nữ công nhân ít chỉ bằng 70-80% các đồng nghiệp nam. Khoảng cách thu nhập theo giới trung bình trên toàn cầu ở mức 17%. Chuyên gia cao cấp của ILO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế, ông Tim De Meyer cho biết: “Khoảng cách ngày càng tăng cho thấy chiều hướng đáng lo ngại dù khó xác định được tỷ lệ chính xác ở Việt Nam do các dữ liệu về lương và thu nhập không được thu thập một cách hệ thống. Các khảo sát thường không tính đến toàn bộ những gì người lao động được hưởng như các khoản phúc lợi, thưởng và trợ cấp”.
Báo cáo Điều tra Lao động xuất bản năm 2012 cho thấy, thu nhập bình quân hàng tháng của phụ nữ thấp hơn nam giới ở tất cả các khu vực kinh tế - Nhà nước, ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài. Ngay cả trong các ngành nghề chủ yếu tuyển dụng phụ nữ như y tế, công việc xã hội và bán hàng, phụ nữ vẫn chịu mức lương thấp hơn các đồng nghiệp nam.
Trong khi đó, khảo sát của TLĐLĐ cho thấy phụ nữ thường chỉ làm những công việc thông thường trong khi các vị trí quản lý thường do nam giới đảm trách.
Phó Chủ tịch TLĐLĐ Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, nữ lao động thường có ít cơ hội được đào tạo cơ bản cũng như được đào tạo lại, nâng cao tay nghề trong quá trình làm việc so với các đồng nghiệp nam. Chị em có gia đình còn chịu nhiều thiệt thòi hơn nữa. Chênh lệch về lương theo giới là một vấn đề toàn cầu, ông De Meyer nói, và những ngành nghề “truyền thống của phụ nữ” thường được trả lương íthơn chỉ vì họ là nữ giới. 
Chẳng hạn, trên thế giới, nghề thợ máy, một nghề chủ yếu do nam giới đảm nhiệm, được trả lương cao hơn nghề y tá, thường do phụ nữ làm, mặc dù nghề y tá cao điểm hơn nếu xét trên thang điểm về kỹ năng, đào tạo, điều kiện làm việc và trách nhiệm. “Đó chính là sự đánh giá quá thấp hoặc quá cao một cách có hệ thống về một công việc mà không tính đến yêu cầu, mức độ nặng nhọc và cạnh
tranh thực chất của công việc đó”- ông De Meyer nói. Những yếu tố về cơ cấu ngành nghề cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách về lương theo giới ở Việt Nam trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đi xuống vừa qua bởi phụ nữ chiếm số đông trong các ngành sản xuất cho xuất khẩu
bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc khủng hoảng. Ông De Meyer khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện điều khoản “trả lương bình đẳng cho các công việc có giá trị ngang nhau” quy định trong Bộ Luật Lao động. Chỉ khi có thể so sánh  thu nhập giữa phụ nữ và nam giới khi họ làm những công việc khác nhau, chúng ta mới có thể thấy rõ rằng phụ nữ phải chịu mức thu nhập thấp hơn chỉ bởi giới tính của họ thay vì bản chất của công việc.  Phó Chủ tịch Hồng cũng cho rằng, việc thực thi pháp luật nói chung là một vấn đề khác trong việc cấm phân biệt đối xử theo giới đã được quy định
trong pháp luật lao động quốc gia. Bà nói: “Khoảng cách thu nhập về giới không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đó là một quá trình đòi hỏi những nỗ lực của không chỉ từ phía doanh nghiệp, các tổ chức công đoàn mà cả bản thân lao động nữ”. Theo bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên quốc gia về bình đẳng giới của ILO Việt Nam cho rằng, phụ nữ cần có nhiều hơn cơ hội được tiếp cận với giáo dục, đào tạo kỹ năng, cơ hội việc làm, thăng tiến mà không phải chịu những định kiến về giới và phân biệt đối xử.  “Cần khai thác tiềm năng của một nửa lực lượng lao động và những lợi ích tiềm tàng của việc đa dạng hóa lực lượng này”- bà nói./.