Sau Tết cổ truyền, không khó để thấy ở tất cả các chùa, đền, miếu, phủ, người dân khắp nơi đến đăng ký dâng sao giải hạn. Theo quan niệm của người dân, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh theo từng năm. Trong 9 chòm sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức đều có sao tốt, sao xấu; sao xấu thì cúng giải hạn, sao tốt sẽ cúng nghênh sao. Chính vì vậy, nhiều gia đình đã đăng kí làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm. Liên quan đến chủ đề này, PV VOV online phỏng vấn Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu- Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

.
hoa-thuong-thich-thanh-nhie.jpg
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu- Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

PV: Thưa Hòa thượng, trong các nghi lễ Phật giáo được quy định, có lễ cúng sao giải hạn không?

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Trong nghi lễ đạo Phật chỉ có cầu an, không có nghi thức cúng sao. Đây là tục lệ trong dân gian, do ảnh hưởng từ “Tam giáo đồng nguyên” gồm Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo.

Theo quan niệm, có 9 ngôi sao chiếu bản mệnh con người, trong đó có sao tốt, sao xấu. Nếu bị sao xấu chiếu mệnh thì phải làm lễ dâng sao, giải hạn. Mặc dù đây không phải là nghi lễ của đạo Phật, nhưng nó tiềm ẩn trong dân, đi vào lòng dân, được truyền từ đời này qua đời khác nên người ta không bỏ được, và trở thành một nhu cầu tâm linh. Hàng năm, người ta vẫn in những cuốn sách về sao xấu, sao tốt. Với những sau xấu, phải làm lễ vào ngày giờ cụ thể chiếu theo từng sao, nên người dân cứ thế làm theo. Vì vậy, dịp tháng Giêng, mọi người thường đến chùa làm lễ giải hạn.

Tuy nhiên, nhà chùa không nói dâng sao mà là cầu bình an, giải hạn cho tất cả mọi người và nghi thức này nên hiểu như một lễ cầu an để tự mình răn mình, tự tạo nhân – quả cho mình, cầu cho gia đình trong năm đó được mạnh khỏe, bình an, gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học hành tấn tới, mọi việc hanh thông.

Phật tử dự lễ cầu an tại chùa Văn Điển sáng 9/2

PV: Nhiều người cho rằng, nếu năm đó gặp sao xấu thì đi chùa dâng lễ, tiền vàng càng nhiều sẽ gặp nhiều điều tốt, như vậy có đúng không, thưa Hòa thượng?

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu: Hoàn toàn không phải như vậy. Về giáo lý, Đức Phật hoàn toàn không nói về những ngôi sao chiếu mạng, Ngài chỉ dạy chúng ta về luật nhân-quả: Gieo nhân nào thì gặt quả đó, thành công hay thất bại trong đời người không có ai ban phát mà do chúng ta tạo nên từ trước. Nếu ta làm điều không tốt, ta sẽ gặp những điều không tốt và ngược lại, nếu ta làm điều thiện, ta sẽ gặp những điều tốt lành.

Nếu hiểu dâng lễ càng nhiều, sẽ gặp nhiều điều tốt thì phải chăng người nào càng giàu, cung tiến càng nhiều lên chùa thì họ sẽ không bao giờ có bệnh, sẽ được trường thọ. Và chỉ có người nghèo mới sống yểu, mắc nhiều bệnh tật vì họ không có nhiều tiền cung tiến chùa, không đi dâng sao, giải hạn nhiều nơi sao?

Hiểu như vậy là hoàn toàn sai và trái ngược với luật nhân-quả theo tinh thần của đạo Phật. Công đức là ngang nhau, quan trọng là cái tâm của mình.

Vì vậy, đầu xuân năm mới, mọi người chỉ cần làm một cái lễ, đến chùa ghi danh sách để nhà chùa đọc tên tuổi, cầu bình an cho cả năm.

PV: Hiện ở nhiều địa phương, nhiều thầy bói, thầy cúng lợi dụng tâm lý lo lắng, sợ hãi, mê tín nhẹ dạ của người dân để trục lợi. Hòa thượng có thấy thực trạng này đáng lo ngại?

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu:Điều này là tự mình thôi. Có những ông thầy bói phán năm nay người này sao xấu, nếu không đi cúng lễ đền nọ, phủ kia, không sắm sửa hết bằng đấy tiền thì gia đình sẽ gặp tai họa. Với nhà giàu thì không sao, vì với họ tiền bạc không đáng lo ngại, còn với nhà nghèo khi không có tiền thì về nhà vợ chồng lại sinh sự, gây mâu thuẫn. Mà không cúng được thì lo suốt quanh năm, chưa yên tâm được. Mà lo thì cả năm đó không làm ăn được gì.

Phật đã dạy luật nhân-quả. Nếu mình không ăn trộm, ăn cắp, làm điều tội ác… thì không có ai bắt giam cả. Ngược lại, nếu mình cứ đi cúng bái nhiều nơi, rồi đi ăn cắp, ăn trộm, buôn lậu, buôn hàng quốc cấm… thì không có Phật, Thánh nào cứu mình được.

Làm điều tốt sẽ gặt lấy điều tốt, làm điều xấu sẽ gặt phải điều xấu. Còn cứ nghe thầy bói phán sẽ chỉ làm ta phải suy nghĩ và có khi gây hại cho bản thân, thậm chí tiền mất tật mang.

Quan trọng là do mình. Bây giờ mình giúp đỡ người khác, lúc khác mình gặp hoạn nạn sẽ có người khác giúp đỡ lại mình.

Mọi người cũng nên hiểu cái hạn, cái không may cũng là một điều hết sức tự nhiên của vạn vật, mọi thứ đều có một chu kỳ nhất định. Giống như con người sinh ra ai cũng có lúc khỏe, lúc yếu. Vạn vật cũng sẽ có nhân-quả.

PV: Hòa thượng có lời khuyên nào đối với Phật tử và người dân?

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu:Tôi mong rằng, không chỉ Phật tử mà cả nhân dân, những người mến mộ đạo Phật, vào dịp đầu năm nên làm một cái lễ, mang hương, hoa, quả, làm 1 lá sớ lên lễ theo tín ngưỡng của mình để cầu sức khỏe. Đừng cầu nhiều tiền. Vì có sức khỏe là có tất cả.

PV: Vâng, xin cảm ơn Hòa thượng!./.