Lên chùa cầu an đầu năm đã trở thành một nét văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Ngoài việc cúng tại nhà, từ cụ già, bậc trung niên, đến các bạn trẻ đều đến chùa để thắp nén hương thơm lên đức Phật, cầu cho một năm bình yên, gặp nhiều may mắn.

Lễ cầu an cả năm cho mọi gia đình bắt đầu vào 8h sáng 9/2 (tức mùng 10 tháng giêng) tại chùa Văn Điển-Thị trấn Văn Điển-huyện Thanh Trì-Hà Nội, nên ngay từ sáng sớm, rất đông tăng ni, Phật tử về chùa dự lễ, dâng sao giải hạn. Ngay từ cổng chùa, Phật tử thập phương kính cẩn mang đồ lễ vào chùa. Nhiều cặp bố mẹ trẻ đưa cả con lên chùa lễ Phật.

cau-an-6.jpg
Phật tử dự lễ cầu an tại chùa Văn Điển sáng 9/2

Theo quan niệm của nhiều người dân, lễ cầu an nhằm cầu xin cho gia đình một năm mới bình yên vô sự, đầm ấm, an vui. Chính vì vậy, dù công việc có bận rộn đến mấy, ai cũng cố gắng sắp xếp thời gian để lên chùa dự lễ đầu năm hay chỉ vãn cảnh, bởi khi tới cửa chùa, mọi người đều có tinh thần thanh tịnh, để lòng lắng lại sau một năm vất vả, nhọc nhằn.

Trước các ban điện thờ, Phật tử thập phương quỳ khấn trang trọng, thiêng liêng. Ai cũng cố gắng được tự tay thắp một nén nhang, thầm thì khấn nguyện cầu một năm mới mạnh khỏe, bình an. Sắp đồ lễ chuẩn bị đưa vào gian điện chính của chùa, anh Thanh (40 tuổi, ở Thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, năm nào anh và vợ con đều lên chùa dự lễ cầu an. Ngoài việc cầu sức khỏe, gia đình hòa thuận, đi xa về gần bình an vô sự, anh còn ước nguyện cho 2 cô con gái của mình ngoan ngoãn, học hành giỏi giang.

Ai cũng cố gắng được tự tay thắp một nén nhang, thầm khấn nguyện cầu một năm mới mạnh khỏe, bình an

Ngoài lễ cầu an, theo quan điểm của nhiều người đầu năm lên chùa còn làm lễ dâng sao, giải hạn để cho lòng thanh thản bởi dẫu sao thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

Cô Phan Thị Bích ở Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Năm nay, ông xã tôi sao Thái Bạch, nên tôi đến chùa đăng kí giải hạn. Ông bà thường có câu “Thái Bạch bán sạch cửa nhà”, nên dù không mê tín tôi cũng phải đến chùa làm lễ mong nhận được điềm lành, bớt đi điềm xấu cho chồng và cho gia đình. Không phải cứ dâng sao, giải hạn là mọi hoạn nạn đều qua, nhưng việc làm này cũng khiến cho mình an tâm, thanh thản, nhắc nhở phải luôn cẩn thận trong mọi việc”.

Phật tử thành tâm khấn vái

Theo Sư Thầy Thích Tịnh Quán, trụ trì chùa Đình Quán (xã Phú Diễn - huyện Từ Liêm – Hà Nội), đến chùa, Phật tử không chỉ dựa vào kinh cầu an, dựa vào Phật để cầu nguyện mà mỗi người phải làm cho tâm an, tinh thần thanh tịnh, thành kính khấn Phật phù hộ cho gia đình mình có được sức khoẻ, bình an, con cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới, thì chính lúc đó trong lòng mỗi người đã có sự an lành, là nền tảng của sự bình an của một năm mà chúng ta đang mong đợi.

“Trong mỗi chúng ta, ai cũng mong muốn có một cuộc sống an khang, thịnh vượng. Mọi người đến chùa cầu an không phải cầu Phật ban cho mình, mà chính mỗi người phải luôn giữ cho tâm an, không làm điều xấu mà cố gắng làm điều lành, điều tốt thì cuộc sống của chúng ta mới có sự bình an”, sư thầy Thích Tịnh Quán chia sẻ thêm.

Trong không gian đầy mùi hương trầm phảng phất, tiếng chuông chùa ngân nga nhẹ nhõm, lòng người như lắng lại, ai cũng như thiện hơn, bớt bon chen, sân si hơn./.