Hôm nay (15/5), Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri lần thứ 5”. Tại đây, nhiều ý kiến cử tri đặt ra với chính quyền và ngành chức năng liên quan đến môi trường- vấn đề cấp bách, bức xúc trong nhiều năm qua. 

dn4_vov_ftef.jpg

Cử tri Đà Nẵng đề nghị chính quyền và ngành chức năng thành phố trả lời về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng tiếp tục làm “nóng” nghị trường. Theo tính toán, chưa đầy 8 tháng nữa bãi rác này sẽ đầy, Đà Nẵng có nguy cơ ngập rác.

Mỗi ngày, bãi rác này tiếp nhận khoảng 1.100 tấn rác thải. Số rác thải này đang được chôn lấp tại hộc rác số 5, hộc rác cuối cùng của bãi rác. Nếu áp dụng một số giải pháp mang tính cấp bách thì cũng chỉ kéo dài “tuổi thọ” của bãi rác này đến đầu năm sau.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chỉ cần 1 ngày bãi rác không hoạt động? Đây là vấn đề mà nhiều cử tri rất lo ngại. Cử tri Nguyễn Tựa ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cho biết, vì quá bức xúc nên chiều ngày 7/1/2019, rất đông người dân cư trú tại tổ 66 và 70, khối Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam tập trung tại ngã tư Hoàng Văn Thái- Huỳnh Thị Bảo Hòa ngăn cản xe vận chuyển rác vào khu xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn.

Ông Tô Văn Hùng cho biết, xử lý rác thải ở bãi rác Khánh Sơn rất gian nan.

"Cử tri quận Liên Chiểu nói chung và phường Hòa Khánh Nam chúng tôi nói riêng, mà đặc biệt là khu vực Khánh Sơn nằm trong bán kính của bãi rác 500 m. Cử tri Hòa Khánh Nam mong muốn thành phố có giải pháp di dời, đóng cửa bãi rác. Như vậy, đến nay thành phố đã thực hiện được cam kết đó như thế nào? Có di dời hay không...", cử tri Nguyễn Tựa nêu ý kiến.

Không chỉ khu vực bãi rác Khánh Sơn mà hiện nay, thành phố đang đối mặt với áp lực lớn từ rác thải tại các khu dân cư. Một số cử tri cho biết, việc thu gom rác thải ở khu dân cư hiện nay có quá nhiều bất cập, luôn xảy ra tình trạng ùn ứ nhiều ngày, phát sinh nhiều điểm tập kết, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Trả lời ý kiến cử tri về ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn để giải quyết vấn đề này. Bãi rác này đưa vào hoạt động từ năm 2007, đến nay đã tiếp nhận hơn 3,2 triệu tấn rác.

Ông Hùng cho biết, chính quyền thành phố đang ưu tiên cho những dự án về môi trường, xem là những dự án “trọng điểm của trọng điểm” trong năm nay. Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 50 quy trình vận hành, Công ty Môi trường Đô thị thành phố cũng đã tăng cường tần suất phun, chôn lấp, hạn chế diện tích chôn lấp dưới 2.000 m2…

Ông Nguyễn Nho Trung- Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, chính quyền chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải hiện nay.

"Để giải quyết bài toán lâu dài của bãi rác Khánh Sơn, thành phố đang triển khai việc tăng cường diện tích phủ bạt thêm 13 héc ta, đầu tư nâng cấp một số hạng mục. Ví du như đầu tư nâng cấp hệ thống trạm rỉ rác, nâng công suất trạm rỉ rác lên 1.050m2/ ngày đêm. Cùng với đó là sẽ đầu tư mở rộng hộc số 6 tại phía Tây của bãi rác và cũng tiếp tục nghiên cứu mở rộng hộc số 7. Làm thế nào đó để đến khi có được những dự án như nhà máy đốt rác thì bãi rác này mới đảm bảo có khả năng tiếp tục vận hành...”, ông Hùng cho hay.

Liên quan đến vấn đề xả thải ra biển, ngành chức năng thành phố Đà Nẵng cho biết, toàn bộ khu vực phía Đông thành phố trước đây quy hoạch xây dựng biệt thự, nhà ở, khách sạn, nhà hàng. Hiện có 449 cơ sở lưu trú, với hơn 18.000 phòng, hơn 500 nhà hàng quy mô ở những trục đường lớn, chưa kể những quán tạm, quán cóc.

Tồn tại lớn nhất hiện nay là bất cập về hạ tầng, công tác quản lý hạ tầng chưa tốt, trách nhiệm quản lý, giám sát của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố nêu thực tế, thành phố muốn trời mưa để đẩy mặn tại sông Cầu Đỏ thì lại sợ các cống xả thải tràn ra biển, muốn tăng nhanh tốc độ đô thị hóa thì lại đối mặt với ô nhiễm môi trường. Có phải công tác quy hoạch đang có vấn đề? Công tác quản lý nhà nước không theo kịp?

Bất cập trước hết là quy hoạch chưa bền vững, chưa tính toán, dự báo hết. Bất cập từ quản lý của chúng ta. Có quy hoạch rồi chúng ta lại điều chỉnh, sửa; rồi quản lý đô thị của chúng ta, rồi bất cập trong đầu tư. Có thể nói rất nhiều vấn đề ở đây, rồi trách nhiệm bây giờ thuộc về ai? Thuộc về chính quyền chớ thuộc về ai? Hiện nay chính quyền thành phố đang tập trung xử lý và xử lý quyết liệt trên tinh thần lắng nghe và cho sự phát triển chung bền vững.., ông Trung nêu ý kiến./.