Theo kế hoạch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La sẽ đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay. Những tiêu tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã đều đạt cao, tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn đang sống khốn khổ vì ô nhiễm môi trường. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nay song không được quan tâm giải quyết dứt điểm từ chính quyền địa phương.
Chất thải chăn nuôi làm người dân khốn khổ. |
Tiểu khu 19 và tiểu khu Co Muông, xã Cò Nòi có hàng chục hộ chăn nuôi lợn và sơ chế nông sản. Các cơ sở chăn nuôi lớn nhỏ nhiều năm nay mặc sức xả thẳng chất thải chăn nuôi ra mương, ra dòng suối cạn. Chất thải lâu ngày đóng màu đen kịt chảy dài, bốc mùi hôi thối. Có cơ sở chế biến sắn còn xả thẳng vào hang. Việc ô nhiễm này đã lâu, người dân phải chịu đựng hàng ngày mà chính quyền địa phương chưa giải quyết dứt điểm.
Kế bên và đằng sau nhà ông Trần Hữu Bắc, tiểu khu Co Muông là dòng suối chất thải chăn nuôi lợn. Gần chục năm nay phải sống chung với mùi hôi thối, sức khỏe cả nhà ảnh hưởng nặng nề. Gia đình đã nhiều lần đề nghị xã quan tâm giải quyết vấn đề này, song không có chuyển biến gì.
“Ba năm nay, nhà tôi ốm, gầy yếu đi rất nhiều so với trước đây. Con trai tôi, không biết có phải tại ô nhiễm không mà cháu bị viêm não, năm ngoái suýt mất mạng. Có những hôm gió hoặc trời mưa xuống khó chịu, đêm ngủ cũng phải đeo khẩu trang”, ông Bắc bộc bạch.
Nhiều hộ dân ở tiểu khu 32 xã Cò Nòi bức xúc, phản ánh về tình trạng ô nhiễm nước giếng khoan của gia đình. Anh Chu Mạnh Tuấn cho biết, tình trạng nước giếng chuyển màu đen và bốc mùi nồng nặc xảy ra từ vài tháng nay, bắt đầu từ khi các cơ sở sản xuất sắn vào vụ sản xuất. Vườn nhãn và xoài của gia đình đã đậu quả, nhưng 2 tháng nay, anh không dám lấy nước giếng này tưới cho vườn cây.
“Tôi đào giếng này cách đây 2 năm, cứ đến tháng 11 là nước bắt dầu có mùi. Cứ hết đợt người ta làm dong làm sắn là hết mùi. Năm ngoái cũng thế năm nay cũng thế, mùi thối, nước đen. Tôi cũng chưa dám khẳng định, nhưng cứ đến mùa sắn mùa dong là bị”, anh Tuấn nói.
Các cơ sở chế biến nông sản, chăn nuôi gia súc mặc sức xả thải ra môi trường. |
Ở xã Cò Nòi, các cơ sở sơ chế nông sản, chăn nuôi gia súc tiếp tục mọc lên, sức ép về môi trường càng trở nên phức tạp. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi nhỏ, hộ gia đình không xây dựng hầm bioga. Tại các cơ sở sơ chế nông sản, hệ thống mương thoát nước, xử lý, xả thải chưa đáp ứng được nhu cầu, nên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ.
Là xã có điều kiện phát triển về hạ tầng, kinh tế, văn hóa-xã hội, song chính vì tiêu chí về môi trường không đảm bảo nên lộ trình công nhận xây dựng nông thôn mới của địa phương này mới kéo dài. Ông Nguyễn Thanh An, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: “Bây giờ chỉ có vận động bà con làm bioga. Sau khi vận động, người dân không làm thì chúng tôi xử phạt. Nhưng cái khó trong xử phạt là người dân họ không nộp, trong khi không có chế tài để cưỡng chế”.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân nhiều năm nay, xã Cò Nòi cần nhanh chóng vào cuộc xử lý hiệu quả vấn đề này. Có như vậy mới đảm bảo tiêu chí, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng lòng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân./.
Lạng Sơn tạm dừng cơ sở thực phẩm xả thải hôi tanh nồng nặc ra suối