Mới đây nhà báo Mỹ Elisabeth Rosen có bài phóng sự về tâm trạng của người Việt Nam trong dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam. Dưới đây là phần lược dịch (tít phụ do VOV tự đặt):
***
Sáng hôm đó, khi bộ đội cách mạng tiến vào thủ đô Sài Gòn của chế độ Việt Nam Cộng hòa và buộc chính quyền do Mỹ hậu thuẫn phải đầu hàng, người lính Bắc Việt Nguyen Dang Phat đã cùng với một biển người ở Hà Nội vui mừng chào đón ngày kết thúc chiến tranh. Hà Nội sau đó trở thành thủ đô của một nước Việt Nam thống nhất.
Ở Mỹ người ta gọi sự kiện này là sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, với các hình ảnh đám đông chen lấn lên máy bay trực thăng để di tản. Còn ở đây, giữa thành phố Hà Nội này, người dân gọi đó là Ngày Thống nhất.
Hơn 58.000 lính Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến tại Việt Nam từ năm 1960 tới năm 1975. Con số binh sĩ và thường dân Việt Nam thiệt mạng ở cả 2 phía dao động trong khoảng 2,1 triệu đến hơn 3 triệu người.
Cuộc Chiến tranh do người Mỹ gây ra trên bán đảo Đông Dương đã qua đi hàng thập kỷ nhưng nước Việt Nam vẫn kiên định với con đường XHCN. Quốc gia này dần mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Á.
Không còn không khí chiến tranh
Là một người Mỹ đã sống ở thủ đô Hà Nội được 3 năm, hiếm khi tôi nghe thấy người ta bàn tán về cuộc xung đột Mỹ-Việt trong quá khứ. Tại cái hồ Hữu Tiệp, nơi tiếp giáp giữa hai khu dân cư giữa lòng thủ đô, những người bán hàng rong vẫn bán các món hàng tươi mới của mình mà không để mắt đến xác chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi xuống đây vào năm 1972 và hiện còn nhô trên mặt nước như một chứng tích chiến tranh. Chẳng có mấy người qua đường dừng bước để đọc tấm biển ghi bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: “Chiến công xuất sắc” bắn rơi máy bay ném bom của “đế quốc Mỹ”.
Thực sự thì trên đường phố Hà Nội hiếm khi thấy các dấu tích về chiến tranh. Phố Khâm Thiên, một phố chính ở trung tâm thủ đô tràn ngập các cửa hàng bán quần áo và điện thoại iPhone, luôn nhộn nhịp xe máy qua lại. Ít có dấu tích về việc nơi đây từng có 2.000 ngôi nhà bị phá hủy và gần 300 người thiệt mạng trong chiến dịch tập kích Giáng sinh năm 1972 – cuộc ném bom quy mô lớn nhất mà chính quyền Nixon ra lệnh tiến hành nhằm gây sức ép với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn đàm phán ở Paris.
Pham Thai Lan, một sinh viên y khoa tham gia hoạt động cứu trợ tại Khâm Thiên sau loạt bom rải thảm năm ấy nhớ lại: “Các phần thi thể người vương vãi khắp mọi nơi”. Đó là lần đầu tiên bà thấy nhiều xác chết đến như vậy bên ngoài bệnh viện. Giờ đã là một bà lão 66 tuổi viên mãn, bà bỗng trầm buồn hẳn khi nhắc về cái ngày hôm đó. Có lẽ giống như cựu chiến binh Phat chia sẻ với tôi: “Nói về chiến tranh là nói về tổn thất và những ký ức đau buồn”.
Ông Vu Van Vinh, nay đã bước sang tuổi 66, mới chỉ 5 tuổi khi người Pháp rời bỏ thuộc địa cũ của họ ở Việt Nam vào năm 1954. Khi đó, ông đã học cách phải cảnh giác với các sĩ quan Pháp tuần tra trên các con phố ở tỉnh Quảng Ninh nằm về phía đông bắc Hà Nội. “Hồi ấy, hễ khi nào thấy người nước ngoài, tôi đều cảm thấy sợ hãi”, ông Vinh nói với tôi. Mười năm sau, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam.
Lần đầu ông thấy chiếc B-57, ông nhìn lên trời, miệng há hốc: “Sao máy bay mẹ lại thả máy bay con nhỉ?” Rồi ông cho biết, chỉ một phút sau, “Mọi thứ rung chuyển. Đá lăn. Nhà đổ”. Ông đã hoảng sợ vô cùng.
Máy bay Mỹ tiếp tục quần thảo thị xã ông Vinh ở gần như hàng tuần. Ông Vinh cùng gia đình đã chuyển tới một khu vực núi non cách đó vài kilomet để trú ẩn trong các hang đá vôi. Ông Vinh có lần phát hiện thi thể của một nam giới không kịp chạy vào hang để tránh bom. “Tôi lật ông ấy qua. Gương mặt của ông ấy đã nổ tung như bỏng ngô”.
Ông Vinh được gọi nhập ngũ nhưng chỉ sau một tháng huấn luyện người ta đã cho ông giải ngũ do ông có vấn đề về thính lực. Anh trai ông cũng được gọi đi bộ đội và đã vào Nam chiến đấu. Ở nhà, ông Vinh và bố mẹ mình theo dõi tình hình chiến sự ở miền Nam thông qua đài phát thanh và báo chí nhà nước.
Ở vùng nông thôn Quảng Ninh, ông Vinh cùng gia đình mình thường đón nghe các tin tức về số lượng máy bay bị bắn hạ trong ngày, và những gì mà các “con sói Mỹ tàn ác” đang gây ra ở nhiều nơi trên đất nước này.
Khát khao độc lập
Cựu binh Nguyen Dang Phat kể tiếp với tôi: “Tin tức thời đó khẳng định đây là cuộc chiến vì độc lập dân tộc. Toàn thể người dân đều muốn đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Tất cả mọi người đều muốn giúp nhân dân miền Nam và mong được chứng kiến ngày non sông thu về một mối.”
Ông Do Xuan Sinh, 66 tuổi, từng công tác trong Cục Quân nhu, đã đặt cuộc chiến tranh chống Mỹ trong bối cảnh lịch sử dài lâu của Việt Nam chống lại can thiệp của ngoại bang, từ cuộc chiến với người Trung Quốc trong 1.000 năm (thời kỳ Bắc thuộc từ trước công nguyên kéo dài đến năm 938 sau Công nguyên), cho đến các cuộc chiến tranh khác. “Mọi người Việt đều hiểu rằng Đảng Cộng sản đã giúp Việt Nam giành được độc lập từ Pháp. Sau đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng lại giúp chúng tôi giành độc lập một lần nữa”.
Một cựu nhà báo chiến trường tên là Tran Van Thuy cho biết, hồi đó, người dân xếp hàng để mua báo đảng và tụ tập quanh các loa phóng thanh để ngóng tin tức.
Nguyen Dai Co Viet, một giáo sư của Đại học Quốc gia Việt Nam, nói với tôi: “Nước chúng tôi bị xâm lăng, và chúng tôi phải chiến đấu để bảo vệ đất nước”.
Anh trai ông Vinh không còn nữa. Thi hài của ông vẫn chưa tìm thấy, tương tự như nhiều trường hợp khác trong khoảng 300.000 người lính đã ngã xuống. Hiện một số kênh truyền hình của nhà nước vẫn phát đều đặn tên tuổi và di ảnh của các liệt sĩ cùng với thông tin liên lạc của người thân đang muốn tìm và quy tập phần mộ của họ.
Bao cấp và đổi mới
Sau ngày chiến thắng 30/4 huy hoàng là cả một thập kỷ kinh tế khó khăn, lạm phát phi mã, tỷ lệ người nghèo rất cao. Bui The Giang, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam ước tính khoảng 1/5 dân số thời kỳ đó bị đói. Còn Linh Chi - con gái của ông Vinh thì cho biết: “Chúng tôi chỉ có điện 4 tiếng mỗi ngày. Đến khi lên 5 hoặc 6 tuổi gì đó, tôi vẫn chưa biết mặt mũi chiếc ti-vi ra sao”.
Nhưng rồi công cuộc đổi mới theo hướng kinh tế thị trường cuối thập niên 1980 đã giúp cuộc sống người dân khấm khá hơn. Sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng ổn định, tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam đã giảm từ 60% trong thập niên 1990 xuống khoảng 20% năm 2010. Bản thân Linh Chi giờ đang sở hữu một nhà hàng Mexico ở ngay Hà Nội.
Từ đó tới nay, cả một thế hệ đã trưởng thành mà không có trải nghiệm nào về cuộc chiến tranh khốc liệt với người Mỹ. Một phụ nữ 56 tuổi bán bánh mì rong tên là Thuan phàn nàn về việc xã hội đã thay đổi nhiều như thế nào: “Thanh niên thời nay nói chung là hơi bị lười. Bọn nó không chịu được cảnh nghèo khó, chả chịu làm nghề phục vụ bàn hay giúp việc. Thanh niên nó có trải qua chiến tranh bao giờ đâu, nên không hiểu được thời đó cuộc sống vất vả cơ cực thế nào. Chúng nó chỉ muốn leo lên vị trí cao mà không phải làm lụng quá nhiều”.
Con trai của người phụ nữ này, một anh chàng 26 tuổi cường tráng đang tập tễnh đi về sau một trận ẩu đả liên quan đến bóng đá, ngắt lời bà Thuan để bảo bà làm cho cậu một chiếc bánh mì patê. Bà Thuan rạch chiếc bánh mì rồi phết vào đó một lớp patê.
Chàng trai nhăn nhó: “Bà ý suốt ngày nói về chiến tranh. Chán chết đi được, tôi chỉ ậm ừ cho xong thôi”.
Trong khi đó, Nguyễn Mạnh Hiệp, một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam gần đây có mở một bảo tàng về chiến tranh ngay tại tư gia. Ông vẫn nặng lòng với một thời đạn bom và mong muốn dạy cho thế hệ con cháu về thời kỳ đó.
Trong bảo tàng của riêng mình, ông Hiệp trưng bày các kỷ vật của cả hai bên tham chiến, được ông sưu tầm trong 8 năm chiến đấu và nhiều lần trở lại chiến trường xưa trong 2 thập kỷ.
Hiện vật bao gồm quân phục Mỹ, điện đài, tới chiếc chăn mà cấp trên giao cho ông Hiệp khi ông bị thương vì một viên đạn. Ông chỉ cho tôi một cái phin pha cà phê mà một đồng đội của ông đã tự chế bằng mảnh vỡ từ máy bay Mỹ bị rơi. Chúng tôi uống trà trong sân nhà ông, xung quanh là các mảnh vỡ máy bay và vỏ đạn pháo.
Ông Hiệp nói: “Tôi muốn lưu giữ những thứ từ thời chiến tranh để các thế hệ sau hiểu được về quá khứ. Thế hệ trẻ không hiểu đầy đủ lắm về thời đã qua .”/.
Xem thêm:
>> Mỹ định ném bom hạt nhân để giải cứu Điện Biên Phủ