Sáng 6/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu tại hội nghị.
Các đại biểu cho rằng, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ được xác định là khâu then chốt. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều yếu kém nguyên nhân do trình độ khoa học của nhiều lĩnh vực còn thấp; hệ thống nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm so với yêu cầu thực tế đặt ra. Nhiều giống mới, kỹ thuật mới chậm đưa vào sản xuất như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay mới chỉ có từ 30% đến 40% diện tích gieo trồng lúa được sử dụng các giống xác nhận. Bên cạnh đó, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ còn yếu và thiếu… Một số ý kiến cho rằng, cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ thúc đẩy việc nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực vật An Giang – doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo quy mô công nghiệp ở khu vực Nam bộ nêu ý kiến: “Trong chuỗi sản xuất nông nghiệp hiện nay ở từng lĩnh vực ngành hàng, mỗi khâu sản xuất đều cần các yếu tố kỹ thuật và khoa học công nghệ, một mình doanh nghiệp không thể tự thực hiện. Vì vậy sự liên kết, kết hợp của các nhà khoa học, các viện, trường, cơ quản quản lý Nhà nước là hết sức quan trọng. Đặc biệt là cấp độ nghiên cứu vĩ mô là những nghiên cứu cơ bản cần chuyển giao nhanh nhất cho doanh nghiệp, với giá mua bản quyền thấp nhất. Công ty kỳ vọng Đảng và Nhà nước sẽ giải quyết khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp có thể hình thành và tạo được mối liên kết này”.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp, số lượng lao động đang giảm xuống, cạnh tranh về nguồn nước, các tài nguyên thiên nhiên và nguồn vốn ngày càng gay gắt thì khoa học công nghệ phải đặc biệt được coi trọng là khâu đột phá nâng cao khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông sản chủ lực và và duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.
Trong thời gian tới, khoa học công nghệ nông nghiệp nên đầu tư nghiên cứu áp dụng ở quy mô lớn, đầu tư nghiên cứu theo chuỗi và xây dựng các mô hình điển hình từ đó nhân rộng cho các địa phương. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ đầu tư khoa học công nghệ đối với 9 sản phẩm quốc gia, trong đó có 4 sản phẩm về nông nghiệp gồm: lúa gạo chất lượng cao, sản phẩm vaccine, cá da trơn, nấm ăn và nấm dược liệu khi lựa chọn 4 sản phẩm này phải đầu tư theo chuỗi, sản xuất quy mô lớn và triển khai các mô hình thí điểm thì mới có năng suất lao động cao và đem lại giá trị lớn cho nền kinh tế.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Việt Nam là quốc gia xếp thứ hạng cao về xuất khẩu nhiều loại nông sản trên thế giới. Trong những năm qua nông nghiệp luôn là chỗ dựa cho nền kinh tế và là ngành mang tính xã hội cao. Để duy trì tăng trưởng của ngành sản xuất nông nghiệp cần phải đổi mới về nhận thức và cách tiếp cận trong sản xuất nông nghiệp, nhất là các yếu tố về khoa học công nghệ. Các Viện, trường có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp sẽ có những cơ chế tiến tới cho phép các cơ sở nghiên cứu khoa học hoạt động như doanh nghiệp khoa học, hoạch toán như doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp các ý kiến đóng góp đề xuất Chính phủ các biện pháp để tháo gỡ để thúc đẩy các nguồn lực về khoa học công nghệ trong thời gian tới để nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm nông sản và thu nhập của nông dân./.