Hiện nay, vùng ĐBSCL có mức trang bị động lực cho nông nghiệp đạt mức cao nhất với 1,85 mã lực/ha, trong khi bình quân cả nước là 1,16 mã lực/ha. Trong đó, việc ứng dụng cơ giới hóa mạnh nhất trong quy trình sản xuất lúa, sau đó là các sản phẩm chủ lực khác như cá tra, tôm và cây ăn trái...

angiangdautu_eihn.jpgNông dân tỉnh An Giang tìm hiểu tính năng thiết bị để trang bị trên đồng ruộng của mình

Việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần làm giảm chi phí và tăng thu nhập cho người dân. Nếu dùng máy gặt đập liên hợp thì chi phí giảm trên 400.000 đồng/ha so với cắt tay và đập máy, đồng thời tỷ lệ hao hụt giảm 2-3% so với phương pháp thu hoạch nhiều giai đoạn. Qua đó hàng năm đã tiết kiệm được từ 1.600 đến 2.000 tỷ đồng và giảm thất thoát 500.000 đến 700.000 tấn.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết lĩnh vực cơ giới hóa trong nông nghiệp của nước ta đang cho thấy những điểm tích cực và khởi sắc: “Cơ giới hóa là tiền đề, là nền tảng để thực hiện sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp thì vấn đề đưa cơ giới hóa, thiết bị cơ khí vào sản xuất nông nghiệp đã được chú trọng và đẩy mạnh. Đến nay, nguồn động lực máy thiết bị sử dụng trong nông nghiệp đạt khoảng 46 triệu mã lực, tăng 1,45%. Trong đó sử dụng canh tác trên đồng ruộng, trên đất lâm nghiệp đạt 9,8 triệu mã lực./.