Nếu bạn sinh được một người con bình thường, con bạn lớn lên, đi học, vui chơi với bạn bè… đó quả là điều may mắn. Nhưng nếu con bạn là một người khuyết tật thì sao? Trong cuộc sống, điều gì có thể xảy ra với người khác, thì cũng có thể xảy ra với chính chúng ta. 

Thanh niên khuyết tật, nhất là khuyết tật trí tuệ, thường bị nhìn nhận với sự thương hại (từ người ngoài) hoặc hổ thẹn (từ phía gia đình). Thông thường một gia đình có con khuyết tật, cha mẹ, anh chị em sẽ tìm cách bao bọc, nuôi nấng người đó suốt đời mà không biết rằng một khuôn mẫu như vậy sẽ làm hạn chế cơ hội có việc làm, cơ hội sống một cuộc đời vui vẻ, có ý nghĩa của họ.

Evan 

Michelle Beard là một người Mỹ, sống ở Hà Nội đã 10 năm nay. Evan là con trai thứ hai của chị, được sinh ra với hội chứng Down.

Michelle có tất cả 4 người con: Con gái Ellen năm nay 25 tuổi, ba con trai: Evan 24 tuổi, Colin 22 tuổi và Andrew 20 tuổi. Năm 1996, khi Evan ra đời, người mẹ trẻ vô cùng bất ngờ và tuyệt vọng. Cô không biết vì sao mà đứa con đầu tiên thì xinh đẹp bình thường, đến đứa thứ hai thì lại khác thường thế!Sau khi vượt qua được cảm giác sốc ban đầu, cô và chồng, anh Michael Beard bảo nhau: Đứa con luôn là quà tặng của Chúa, sẽ đem lại phước lành cho cả gia đình. Hai vợ chồng nguyện sẽ yêu thương Evan, nuôi dạy Evan như một đứa trẻ bình thường. Thế là bố mẹ Evan kiên trì tìm các phương pháp can thiệp để con mình có thể phát triển như những đứa trẻ khác. Evan được đi học, đã tốt nghiệp trường cao đẳng nghề Shepherds College, ra trường, đi làm.  

Michelle kể, mọi người trong gia đình luôn cố gắng tạo điều kiện để Evan rèn được sự tự lập. Cha mẹ giúp cậu lên thời gian biểu bằng hình ảnh, sắp xếp những sinh hoạt trong ngày. Bằng cách đó, Evan cũng học được kỹ năng để đưa ra quyết định. 

Even đặc biệt yêu thích rèn luyện thể lực. Cậu thích chạy bộ, tập tạ, tập nâng cơ… Đồng hành với cậu là ông bố tận tụy, luôn tập cùng con. Cả gia đình đều yêu Evan, coi cậu như một người bình thường. 

Bây giờ, Evan đã trưởng thành, làm việc trong quán cà phê. Chàng thanh niên thích màu xanh lá cây, thích tự quay phim và dựng phim, kể những câu chuyện về mình và mọi người và đăng lên Youtube. Evan có thể sống hoàn toàn độc lập, tự mình làm rất nhiều việc mà không cần tới sự hỗ trợ của bất kỳ ai. 

Lý do mà gia đình người Mỹ này sang Việt Nam, theo như Michelle cho biết: “Lúc đó chúng tôi tìm kiếm một đất nước ở châu Á, nơi chúng tôi có thể  dạy học (hai vợ chồng chị đều làm giáo viên, đến nay đã hơn 30 năm) và nơi con cái chúng tôi có thể theo học các trường quốc tế. Chúng tôi chủ ý muốn tìm đến một đất nước đang cần những nhà giáo dục tốt. Khi đến thăm Việt Nam, chúng tôi cảm thấy yêu con người, món ăn và các vùng miền khác nhau ở Việt Nam. Các con của chúng tôi cũng cảm thấy rất thoải mái và an toàn ở đây, vì vậy cuộc sống ở Việt Nam là trải nghiệm tốt cho cả gia đình chúng tôi”.

Họ ở lại Việt Nam. Evan sống ở Việt Nam 5 năm cùng cha mẹ, sau đó quay về sống 4 năm ở Mỹ và cuối cùng quyết định trở lại Việt Nam. Hiện giờ chỉ có vợ chồng Michelle và cậu con trai Evan ở Việt Nam, cô con gái và hai cậu con trai vẫn ở Mỹ, lâu lâu sang thăm, cả gia đình đoàn tụ. Evan có nhiều bạn bè ở Việt Nam. Cậu thấy rất hạnh phúc khi sống ở đây. 

Michelle chia sẻ: Chúng tôi luôn muốn xem Evan có thể phát triển khả năng của mình đến đâu. Chúng tôi dạy con cách nấu và trình bày các món ăn và đồ uống khác nhau. Chúng tôi cũng muốn Evans tham gia đào tạo những người khuyết tập khác để họ có thể học được những kỹ năng mới. Chúng tôi đã cố gắng dành thời gian lắng nghe xem con muốn làm gì, vì có rất nhiều thứ Evan muốn học, muốn làm mà có khi chúng tôi không biết… 

Imago Work- dự án đào tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật

Vốn là giáo viên, lại trải qua quá trình nuôi dạy đứa con đặc biệt của mình, rồi sang sống ở Việt Nam, chứng kiến cách mà mọi người xung quanh đối xử với người khuyết tật (thường là yêu thương không đúng cách, làm mất đi khả năng sống tự chủ và có mục đích của người khuyết tật) Michelle Beard đã khởi động Dự án đào tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật- Imago Work. 

Chị giải thích nghĩa của từ Imago. Trong tiếng Latin, Imago có nghĩa là “hình ảnh”, nó bắt nguồn từ cụm từ “Imago Dei”, nghĩa là “Hình ảnh của Chúa Trời”. Chị nghĩ: Tất cả mọi người, không phân biệt khả năng, dân tộc, giới tính hay địa vị xã hội… đều do Đấng Tạo Hóa sinh ra. Chúng ta đều bình đẳng và đều đáng quý như nhau. Người khuyết tật cũng vậy, được sinh ra với phẩm giá và khả năng làm việc có mục đích để góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Vì vậy, đó là lý do tại sao Michelle chọn cái tên Imago Work. “Tôi muốn truyền đạt ý tưởng rằng các học viên của chúng tôi thể hiện hình ảnh của Chúa khi họ làm việc giống như những người khác được sinh ra trên trái đất này. "Hình ảnh" của họ được nâng lên khi chúng ta cho họ nhập vào dòng chảy của xã hội thay vì giấu kín ở đâu đó bởi chúng ta cảm thấy xấu hổ, cho rằng họ kém hoàn hảo…”

Imago Work được tạo ra với mục đích mang đến cho thanh niên có khuyết tật trí tuệ, lòng tự trọng và tính tự chủ cao hơn thông qua giáo dục các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và kỹ năng nghề nghiệp. Dự án được Michelle và các cộng sự thực hiện với sự cố vấn của các chuyên gia quốc tế về giáo dục đặc biệt. Dự án cũng nhằm mục tiêu thay đổi tương lai của học viên và thay đổi khuôn mẫu cứng nhắc mà xã hội quan niệm bấy lâu về người khuyết tật trí tuệ. 

Imago Work đề ra một chương trình đào tạo tập trung, gồm phát triển thể chất, cảm xúc, kỹ năng xã hội và dạy nghề. Chương trình mang tính tương tác cao, bao gồm 4 nội dung cơ bản: 1- Kỹ năng sống và kỹ năng xã hội, giúp học viên hòa nhập xã hội và có tính tự chủ cao. 2- Rèn sức khỏe và thể lực. 3- Đào tạo nghề để làm việc trong nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. 4- Hỗ trợ tìm việc hoặc thực tập trong cộng đồng sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.

Để đào tạo nghề cho các thanh niên khuyết tật, cần có một môi trường làm việc. Michelle Beard kể, vợ chồng chị thật may mắn khi có những người cộng sự cùng chung suy nghĩ. Một trong số đó là Jason Weimer, người sáng lập mô hình quán Simple Coffee- nơi nhận người khuyết tật làm việc- tại Thái Lan năm 2013. Năm 2015, Michael Beard làm đại lý cung cấp cà phê cho Simple Coffee bằng cách kết nối các trang trại địa phương ở Sơn La. Năm 2018 Michael cùng một số cổ đông khác mở Simple Coffee ở Hà Nội, giữ nguyên tiêu chí là trao quyền cho người khuyết tập có thể tự sinh sống và làm việc độc lập. 

Imago Work bắt đầu với một số khóa học ngắn hạn mùa hè và năm nay khởi động khóa dài hạn đầu tiên. Các học viên không chỉ có Simple Coffee Hà Nội là nơi thực tập, Michelle Beard đã liên hệ với một số quán cà phê khác và cũng được hỗ trợ cho học viên tới đó thực hành.

Imago Work tập trung vào những người khuyết tật trí tuệ, đặc biệt là những người đã trưởng thành, bởi họ đã sẵn sàng ra ngoài xã hội, sống tự lập; nhưng phần lớn họ lại không biết làm thế nào để có thể kiếm tiền, nuôi sống bản thân và họ cũng chưa hề có kỹ năng nào. Trong khi rất nhiều người trong số họ khát khao được học hỏi và khi làm việc thì rất chăm chỉ.

Ở Simple Coffee, người khuyết tật cùng làm việc ở những khâu được phân công tùy theo khả năng của mình. Simple Coffee ở tầng 1, còn tầng trên là lớp học của Imago Work. Các học viên được dạy những kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng an toàn. Về nghề nghiệp, họ được học cách dọn dẹp quầy, rửa cốc chén, đóng gói cà phê, pha chế đồ uống, phục vụ khách hàng… Ngoài giờ, quán tổ chức dạy cho nhân viên ký hiệu ngôn ngữ để giao tiếp với người câm điếc, nhằm giúp cho nhân viên có thể giao tiếp được với học viên và các nhân viên khuyết tật.

Trải qua hơn 20 năm với những nỗi vất vả và niềm vui trước sự trưởng thành của Evan, Michelle muốn gửi gắm đến các bậc cha mẹ có con khuyết tật rằng: Đứa con khuyết tật không phải là hình phạt, không phải là lời nguyền, mà luôn là món quà Thượng Đế trao tặng cho gia đình bạn. Khi dạy cho con sống độc lập được, chúng ta không còn phải lo lắng khi chúng ra ngoài chơi. Một điều quan trọng khác là phải thay đổi được nhận thức của cộng đồng, để có một không gian an toàn, mọi người đều có ý thức tôn trọng và giúp đỡ người khuyết tật. Từ đó gia đình không còn cảm thấy lo lắng hay xấu hổ nữa.../.