Câu lạc bộ thơ sông Tô, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội có một thành viên cao tuổi nhất. Đó là nữ cán bộ lão thành Phạm Thị Trinh. Năm nay bà vừa tròn 100 tuổi đời, 83 năm tuổi Đảng. Cuộc đời bà là một tấm gương sáng về lòng trung thành với cách mạng, tận tụy với công việc, luôn vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống để các thế hệ cán bộ phụ nữ hôm nay học tập.

Lớn lên trong phong trào yêu nước và cách mạng đang ngày một dâng cao, mang trong mình truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, năm 16 tuổi, bà Phạm Thị Trinh đã tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Người con gái sông Trà- Quảng Ngãi son trẻ ấy đã sớm trở thành người cán bộ ưu tú của Đảng, người cầm cờ chỉ huy nhiều cuộc biểu tình của hàng ngàn đồng bào Sơn Tịnh trong cao trào cách mạng 1930-1931.

phamthitrinh2.jpg
Bà Trinh cùng con trai và cháu nội

Khi phong trào bị đế quốc Pháp đàn áp đẫm máu, bọn chúng quây ráp, bắt bớ nhiều người yêu nước và ráo riết truy nã, bà vẫn gắn bó với nhân dân, tìm mọi biện pháp duy trì hoạt động. Quá trình đấu tranh cách mạng, bà đã bị hai lần vào tù (năm 1931 và 1941), bất chấp mọi cực hình tra tấn dã man, mọi thủ đoạn mua chuộc hèn hạ của tuần phủ, cai ngục, mật thám, toàn quyền, bà vẫn kiên trung giữ trọn khí tiết của người cộng sản, cương quyết đấu tranh không khuất phục kẻ thù. Gặp bà những ngày này, mặc dù tuổi cao nhưng bà vẫn kể rành rọt cuộc tranh luận với viên Toàn quyền Đông Dương Pasquier tại nhà lao Quảng Ngãi năm 1931:

"-Nó hỏi: Tại sao chị còn nhỏ mà chị theo Cộng sản?

- Tôi trả lời: Cộng sản là làm cho nhân dân bình đẳng, nam nữ bình quyền, thế giới đại đồng, ai cũng như nhau, không có người bóc lột người. Tôi theo Cộng sản làm cho nước tôi giàu mạnh.

- Nó hỏi: Mục đích của chị cao thế, rộng thế thì chị làm Cách mạng đến bao giờ thành công?

-Trả lời: Tất nhiên thành công trong thời gian lâu dài nhưng tôi tin việc làm của tôi nhất định thắng lợi. Người Pháp qua đây, xâm chiếm nước chúng tôi xin trục xuất ra khỏi nước."

Trong điều kiện tù ngục của thực dân, bà cùng các chị em tổ chức học chữ, giáo dục chính trị. Không có giấy vở, bà dùng gạch vỡ tập viết xuống nền nhà lao, dạy chữ cho mọi người, biến nhà tù thành trường học cách mạng.

9 năm kháng chiến chống Pháp, bà là Hội trưởng Phụ nữ Quảng Ngãi và Hội trưởng Phụ nữ Liên khu V, lãnh đạo phong trào tăng gia sản xuất phục vụ chiến đấu. Năm 1954, gia đình tập kết ra Bắc, bà công tác ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 20 năm công tác, ở cương vị nào, bà cũng đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và hoạt động của phong trào phụ nữ Việt Nam.

Chồng bà - Trung tướng Nguyễn Chánh mất sớm. Một nách 6 con, bà vẫn là một cán bộ gương mẫu, một bà mẹ đảm đang và nhân hậu. Sau 2 lần trả lại biệt thự cho nhà nước, bà Trinh mua đất, dựng nhà trong một ngõ nhỏ ở phố Khương Trung, quận Thanh Xuân để an hưởng tuổi già với con cháu. Trong không gian yên tĩnh ấy, nhiều bài thơ hay của Phạm Thị Trinh đã ra đời. Bà là một trong số ít các nữ tác giả có thơ được tuyển vào Tổng tập Văn học Việt Nam.

Bà Phạm Thị Trinh ký tặng sách cho độc giả

Nhiều năm nay, dẫu tuổi cao sức yếu, bà Phạm Thị Trinh vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn với Câu lạc bộ thơ Sông Tô, luôn nghe đài, xem truyền hình và quan tâm đến tình hình thời sự chính trị của đất nước. Bà cho rằng bây giờ cần phải tăng cường xây dựng Đảng và luôn kỳ vọng vào lớp trẻ: "Từ trước làm cách mạng có Đảng thì mới thành công. Phải xây dựng Đảng. Đảng phải là cái mẫu, cái cốt để thu hút quần chúng, để lớp trẻ tiếp tục sự nghiệp của Đảng, sự nghiệp của Bác Hồ. Thanh niên là lực lượng mạnh khỏe nhất, thông minh. Các cháu phải theo Đảng, làm theo lời Bác Hồ, bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc".

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng phụ nữ, bà Phạm Thị Trinh được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và nhiều huân, huy chương cao quý khác.  100 tuổi đời, 83 năm tuổi Đảng, Phạm Thị Trinh là người phụ nữ có tuổi Đảng cao nhất nước ta hiện nay. Cuộc đời và những đóng góp của Bà cho cách mạng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã góp phần tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam./.