Nhà ở gần một trường học nên tôi nhớ rất rõ, cuối những năm 1990, khu phố tôi ở cứ mỗi buổi chiều là trong tình trạng tắc đường. Vì nhà ở ngoài phố nên tôi tận mắt chứng kiến cảnh có quá nhiều xe cộ để ngổn ngang trên hè, dưới lòng đường, tiếng trò chuyện rôm rả của nhiều người lớn mà tôi gọi bằng bác, cô, chú. Khi ấy, tôi mới đang là học sinh THPT nên cũng chỉ biết là vì họ phải xếp hàng vào cổng trường gửi xe để học thêm.

Tôi cũng đã hỏi chuyện họ và được biết, các học viên theo học chương trình đào tạo vừa học vừa làm (hệ Tại chức) của một trường đại học (ĐH) thuê thêm cơ sở ở trường học nằm trên khu phố tôi ở. Hồi đó, trường học có khoảng 5 lớp đào tạo hệ Tại chức, với khoảng 80 học viên/lớp-một con số khá đông.

Để đáp ứng nhu cầu học tập thêm của phần lớn công chức, cán bộ đang làm việc ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, rất nhiều trường ĐH thời đó đã đua nhau xin mở thêm hệ đào tạo Tại chức.

dao-tao-tai-chuc.jpg
Thời gian gần đây, một số địa phương không tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp có bằng Tại chức

Nhớ lại thời kỳ “hoàng kim” của việc đào tạo Tại chức thời gian đó mà ngẫm thấy, cán bộ, công chức và cả sinh viên đi học thêm nhiều thật. Có “cầu ắt có cung” là hợp quy luật cuộc sống. Nhưng điều đáng nói là gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã có động thái “quay lưng” với hệ đào tạo Tại chức, văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm. Có tỉnh, thành tuyên bố không tuyển chọn công chức tốt nghiệp Tại chức vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Nhiều tỉnh, thành đưa ra quy định thi tuyển công chức phải là người có bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy trở lên.

Báo chí đã từng đưa tin, tháng 9/2011, hàng chục giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tiểu học ở Nam Định phải nghỉ dạy vì chỉ có bằng Tại chức. Họ không phải là những giáo viên vừa tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ mà từng giảng dạy nhiều năm. Nhiều giáo viên đã có thâm niên trên 10 năm dạy học.

Không chỉ có hệ Tại chức bị “tẩy chay”, có tỉnh còn công khai tuyên bố chỉ tuyển ứng viên tốt nghiệp ở các trường công lập có uy tín về đào tạo, bằng cấp loại Khá trở lên. Không tuyển hợp đồng những người tốt nghiệp ĐH Tại chức hoặc ĐH chính quy theo các hình thức liên thông, liên kết, từ xa...

Nguyên nhân vì đâu?

Suy cho cùng, tình trạng nhiều địa phương “quay lưng” với hệ đào tạo Tại chức là do họ không yên tâm chất lượng giảng dạy-học tập ở hệ đào tạo Tại chức.

Báo chí đã từng phải tốn rất nhiều giấy mực khi đề cập đến việc, nhiều trường ĐH vì muốn có thêm khoản thu ngoài tiền học phí của sinh viên nên đã cố gắng xin mở thêm hệ đào tạo Tại chức, liên thông, liên kết. Mà muốn có thêm nhiều kinh phí, nhà trường phải cố gắng xin mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình đào tạo, chương trình học của trường lại bị cắt xén hoặc đan xen lẫn lộn nên người học không có kiến thức chuyên sâu. Học viên hệ Tại chức đa phần là cán bộ, công chức đã đi làm, tranh thủ thời gian tối đi học thêm. Trong đó có nhiều người đi học chỉ lấy lệ hoặc lấy bằng cấp để thăng quan, tiến chức, nâng lương… chứ không thực sự coi việc học là mục đích. Thực tế, có nhiều trường hợp còn  thuê người đến lớp học hộ và chỉ có mặt ở cuối mỗi kỳ thi.

Tình trạng học hộ, thi thuê, kiến thức giả, bằng thật đã đến mức báo động khi mới đây, tại Hội nghị Thi và tuyển sinh năm 2013, một cán bộ lãnh đạo thuộc một Sở GD-ĐT phải “thốt” lên rằng, nếu tình trạng này kéo dài và không có biện pháp hiệu quả ngăn ngừa thì trong tương lai, Việt Nam sẽ chỉ có những “Tiến sĩ giấy”.

Ở nhiều nước được đánh giá là có nền giáo dục phát triển, không có cái gọi là bằng Tại chức. Sinh viên chủ yếu được đào tạo theo hình thức tín chỉ, có thể tùy chọn thời gian để đăng ký học.

Sinh viên được lựa chọn phương thức học tập toàn thời gian hay bán thời gian ở những cơ sở giáo dục khác nhau nhưng đều được giảng dạy với một chất lượng tương đương nhau và được cấp một bằng tốt nghiệp như nhau nếu sinh viên đó đạt kết quả thi theo yêu cầu.

Còn ở Việt Nam lại có nhiều loại bằng cấp và chất lượng giáo dục lại khác nhau nên mới có hiện tượng doanh nghiệp, địa phương “chê” sinh viên tốt nghiệp hệ Tại chức, liên thông, liên kết. Một số trường ĐH xin ra đời hệ Tại chức hay những loại hình đào tạo khác nhưng lại không đảm bảo cho nó hoạt động hiệu quả, có thể phát triển và được công nhận.

Động thái “quay lưng” với hệ đào tạo Tại chức của nhiều địa phương đã khiến Bộ GD-ĐT phải xem xét lại việc đào tạo loại hình này của các trường ĐH, CĐ và đưa ra quy chế, bắt đầu từ năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo vừa học vừa làm (hệ Tại chức), văn bằng 2; đào tạo liên thông chính quy. Theo đó, chỉ tiêu đào tạo hệ Tại chức, văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm còn 50% tổng chỉ tiêu đào tạo. Chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy do nhà trường xác định theo quy định.

Trong cuộc trả lời báo chí tại Hội nghị Thi và Tuyển sinh năm 2013 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phải thừa nhận rằng, thời gian vừa qua, giáo dục Việt Nam đã tăng nhanh chóng các loại hình đào tạo, ngành nghề. Nay đến lúc chúng ta phải siết chặt số lượng và chú trọng nhiều hơn đến chất lượng. Việc giảm chỉ tiêu các loại hình đào tạo Tại chức, liên thông cũng là nhằm hướng tới mục đích đó.

Lời giải thích đó có thể coi là sự đối phó của Bộ GD-ĐT khi mà thời gian gần đây có hàng loạt các trường ĐH, CĐ bị phát hiện mắc nhiều sai phạm trong tuyển sinh, không đảm bảo chất lượng đào tạo. Đây chẳng khác nào tình thế “mất bò mới lo làm chuồng”. Nguyên nhân một phần cũng là ngành Giáo dục đã quá dễ dãi trong việc để cho các trường ĐH, CĐ mở thêm loại hình đào tạo, ngành nghề và buông lỏng quản lý.

Nguyên nhân chính là do các trường ĐH đào tạo hệ Tại chức đã vì chạy theo lợi nhuận mà không chú trọng tới chất lượng đào tạo, cắt xén chương trình, quá dễ dãi đối với việc học của sinh viên, tuyển sinh dễ dãi, ồ ạt và buông lỏng quản lý. Lợi nhuận đã khiến họ không nghĩ tới lợi ích người học mà đào tạo theo kiểu “đem con bỏ chợ”.

Việc gì cũng có “nhân-quả”, sau nhiều năm tuyển sinh, đào tạo dễ dãi, hệ Tại chức và những loại hình đào tạo khác đã bị một số địa phương, doanh nghiệp “tẩy chay”, không nhận tuyển chọn người tốt nghiệp có bằng Tại chức hoặc bằng liên thông, không chính quy vào làm việc.

Trong số những người học hệ Tại chức, liên thông có nhiều người học tập không nghiêm túc, chủ yếu chạy theo bằng cấp. Tuy nhiên, cũng có những người học hành nghiêm túc, thực sự muốn nâng cao trình độ, kiến thức thì suy cho cùng, họ là những người thiệt thòi nhất.

Sau vài ba năm mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức theo học để có được tấm bằng Tại chức, liên thông…., giờ thì họ đang lo lắng, băn khoăn không biết rằng tương lai của mình sẽ ra sao nếu như có những nơi khắt khe không thừa nhận tấm bằng mà họ sở hữu!./.