Lại có thêm tỉnh Quảng Nam làm nóng lên vấn đề đào tạo khi đưa ra qui định chỉ tuyển công chức đối với những người có bằng đại học chính qui. Có những ý kiến nhiều chiều, nhưng nếu như nhìn nhận mục tiêu đào tạo là để đáp ứng nhu cầu thực tiễn thì không đến mức phải làm nóng lên như thế.
Trước Quảng Nam là Đà Nẵng, rồi Nam Định, và một số sở ngành cơ quan, đơn vị ở Vĩnh Phúc, Hải Dương,... đã từng nói không với bằng đại học tại chức và dân lập.
Và còn nhiều nơi khác nữa, tuy không qui định cụ thể ra song trên thực tế tuyển dụng là có sự phân biệt. Nhưng Quảng Nam lần này làm nóng vấn đề lên vì sự phân biệt được lý giải rằng do chủ trương của Tỉnh ủy.
Cụ thể là một vị Phó Chủ tịch tỉnh đã được báo chí trích dẫn rằng chủ trương này nhằm nhiều mục tiêu, trong đó có việc dần dần gây dựng được một đội ngũ cán bộ công chức có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Và trong đó có cả mục tiêu chấm dứt tình trạng “loạn bằng cấp”, loại trừ những trường hợp “con ông cháu cha” kém tài - không thực học mà lại tìm mọi cách kiếm bằng tại chức để nhảy vào cơ quan Nhà nước.
Thực ra, cách mà Quảng Nam đang làm không mới. Nhưng phải thừa nhận rằng, với chủ trương và những quyết định ấy thì Quảng Nam cũng như trước đó là Đà Nẵng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương,... phải chịu sức ép rất lớn từ dư luận.
Song, cho dù nhìn nhận vấn đề theo cách nào và với thái độ nào thì mọi người cũng thấy đó là những quyết định có lí, trên một mức độ nhất định là phù hợp.
Thực tiễn là, chúng ta chủ trương mở rộng các loại hình đào tạo, các hệ đào tạo để tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Bằng cấp là cái nền cơ bản, nhưng không một cái nền nào tự nhiên đã bằng phẳng. San nền bằng cấp giữa các loại hình đào tạo là nhiệm vụ của ngành giáo dục đào tạo, và ngành này còn rất nhiều việc phải làm. Và cho dù làm theo cách nào cũng không thể quên một điều rằng, đào tạo phải nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Nếu gạt bỏ chuyện bằng cấp thì phải nhìn nhận thực tế hiện nay là, khi nộp hồ sơ vào bất kì vị trí công việc ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào, thí sinh đều phải chấp nhận sự sàng lọc qua nhiều bước, nhiều khâu, trước hết là về bằng cấp chứng chỉ, và không chỉ có bằng cấp chứng chỉ.
Tiêu chí sàng lọc là quyền của các đơn vị, tổ chức đó với những yêu cầu cụ thể, không phải nơi nào cũng như nơi nào. Ngay cùng một loại bằng chính qui cũng có nhiều vị trí yêu cầu khá giỏi, chứ tốt nghiệp trung bình là bị loại. Và cũng không ít người về bằng cấp chưa đạt song quá trình công tác lại khẳng định được năng lực nổi trội hơn những người bằng cấp cao. Cái này phải qua trải nghiệm công tác mới thấy rõ được.
Cũng từ yêu cầu thực tiễn, nhiều vị trí cán bộ công chức cần được đào tạo bổ sung cơ bản kết hợp với tập huấn thường xuyên. Chữ “tại chức” xuất phát từ đó. Chưa kể còn có rất nhiều người vì những lí do hoàn cảnh khác nhau mà không có bằng cấp, nhưng họ vẫn thường xuyên liên tục tự học, tự đào tạo bản thân bằng chính công việc hàng ngày hàng giờ.
Ý nghĩa, giá trị lớn lao của giáo dục đào tạo là ở chỗ phải trả lời được câu hỏi “học để làm gì”. Vì vậy, những quyết định, chủ trương liên quan đến qui chuẩn tuyển dụng của địa phương này địa phương khác, hay của đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nọ kia, chắc chắn không thể gây ra phản ứng mạnh mẽ từ những người làm công tác giáo dục đào tạo, bởi nhiệm vụ của họ là phải tìm cách đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Phản ứng, nếu có, chỉ là xuất phát từ những cá nhân, tập thể muốn lợi dụng chủ trương chung để trục lợi; hoặc là phát sinh từ những người kém tài thiếu học muốn khuấy đục vấn đề lên để tìm cơ hội cho bản thân mình. Vậy nên, cho dù vô tình hay hữu ý thì các phương tiện truyền thông đại chúng cũng không nên tiếp sức cho những tư tưởng, ý nghĩ sai lệch ấy.
Học là việc của mọi người nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân mình, của cộng đồng và xã hội. Sự học, cho dù bằng con đường hay cách thức nào cũng đều đáng trân trọng. Học không bao giờ thừa. Chỉ có những thứ mang danh, mượn danh, lợi dụng sự học thì sớm hay muộn mới thừa ra mà thôi./.