Trong giai đoạn 2011-2015, tại các đô thị lớn, nơi có các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ, chất lượng không khí chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn 2006 – 2010. Các đô thị lớn như Hà Nội hay đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần các trục giao thông chính.

khoi_bui_ha_noi_mfzo.jpg
Ảnh minh hoạ.

Kết quả đánh giá chất lượng không khí thông qua chỉ số chất lượng không khí AQI cho thấy, tại các đô thị lớn, số ngày có AQI ở mức kém và xấu chiếm tỷ lệ khá lớn. Điển hình như tại đường Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), số ngày trong năm 2014 có AQI ở mức kém chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số ngày quan trắc trong năm, thậm chí có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại.

Trong giai đoạn này, ô nhiễm bụi tiếp tục là vấn đề nổi cộm. Số liệu thống kê cho thấy, số ngày không bảo đảm ngưỡng khuyến cáo an toàn đối với sức khoẻ cộng đồng vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Nồng độ bụi cũng thay đổi qua các tháng trong năm, theo diễn biến mùa, điều này được thể hiện rõ ở khu vực phía Bắc. Số liệu quan trắc tại trạm Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) cho thấy, ô nhiễm bụi (đặc biệt là bụi mịn) thường tập trung vào các tháng mùa đông, ít mưa (tháng 11-3).

Tại lễ công bố Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay đáng lo ngại nhất đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là bụi mịn.

“Khẩu trang hoàn toàn không có tác dụng đối với bụi mịn. Loại bụi kích thước to lại không gây hại bằng loại bụi siêu nhỏ này bởi nó có thể chui sâu vào phổi gây ung thư” – ông Hoàng Dương Tùng cho biết.

Diễn biến nồng độ bụi theo các tháng giai đoạn 2011 - 2015 tại trạm Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội. 

Vậy bụi mịn là gì?

Thuật ngữ bụi mịn, hay bụi PM2,5 là tên dùng để chỉ những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống. 1micron (micromet) bằng 1/1000mm. Như vậy bụi PM2,5 sẽ có kích thước nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người.

Bụi PM 2,5 ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Các hạt bụi trong phạm vi kích thước PM2,5 có thể đi sâu vào đường hô hấp và tới phổi. Phơi nhiễm với bụi mịn có thể gây những tác động sức khỏe tức thời như kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi và khó thở.

Phơi nhiễm lâu dài với bụi mịn cũng có liên quan với tăng tỷ lệ viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim.

Cũng trong Lễ công bố báo cáo, các chuyên gia cũng đề cập vấn đề sương mù quang hoá và đưa ra khuyến cáo không nên ra ngoài đường trong khoảng thời gian 7-8h tối, đặc biệt là người già và trẻ con. Tuy nhiên khác với hiện tượng sương mù quang hoá công nghiệp ở London những năm 50 của thế kỷ trước khiến hàng nghìn người chết, sương mù quang hoá ở Hà Nội là tự nhiên nhưng vẫn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người./.