Sáng nay (4/7), HĐND TP. Hà Nội thông qua Nghị quyết về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017- 2030", với tỷ lệ trên 91% tổng số đại biểu HĐND TP tán thành.
Trình bày báo cáo về Đề án, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, kết cấu hạ tầng giao thông TP. Hà Nội đã được quy hoạch và tập trung nguồn lực đầu tư mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội |
Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20 km/h diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào TP. Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm, ngày lễ và tết.
Ông Viện cho biết thêm, thực tế việc quản lý phương tiện xe cơ giới đường bộ còn nhiều bất cập như quản lý phát triển về số lượng phương tiện mới chỉ có quy định đối với xe taxi, các loại xe còn lại chưa có quy định quản lý cụ thể; các biện pháp thuế, phí, lệ phí chưa đủ mạnh để tác động đến sự phát triển số lượng và hoạt động của các loại phương tiện giao thông đường bộ. Việc điều tiết, cấm hoạt động đối với một số loại phương tiện giao thông còn ở phạm vi hẹp...
Do vậy, theo ông Viện, việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” là hết sức cần thiết.
Thảo luận về Đề án này, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) đánh giá cao tính khả thi của Đề án song đại biểu đề nghị Hà Nội cần xác định hạn chế phương tiện xe gắn máy nên gắn với phạm vi kết cấu hạ tầng hơn là địa giới hành chính.
Quan điểm của đại biểu Phạm Đình Đoàn, Hoàng Mai thì cho rằng Hà Nội nên thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân một cách từ từ, có lộ trình, không nên cấm một cách đột ngột vào năm 2030.
Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (Thường Tín) đồng tình với đa số mục tiêu và các giải pháp Đề án nêu ra. Ông Minh lưu ý mục tiêu quan trọng khác cần bổ sung vào đề án là giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Minh, từ nay đến năm 2030 còn 13 năm nữa, trong khoảng thời gian đó Hà Nội sẽ làm được rất nhiều việc theo Đề án nêu ra, khi đó cơ sở hạ tầng giao thông vận tải sẽ phát triển, sẽ có thêm nhiều công trình, nhiều tuyến đường hay các tuyến đường sắt đô thị.
Ông này cũng cho rằng, nếu thực hiện được Đề án quản lý phương tiện cá nhân thì kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội sẽ phát triển, có nhiều tuyến đường sắt hay tuyến BRT, khi đó người dân sẽ được tiếp cận phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, nếu vị trí nào cũng đảm bảo dân sẽ được tiếp cận các ga đường sắt, lúc đó, vì mục đích an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông và vì văn minh đô thị, đa số người dân sẽ chọn phương thức vận tải hành khách công cộng số lượng lớn của TP, và không cần thiết phải đi xe máy.
Để thực hiện Đề án, đại biểu Phạm Đình Đoàn, Hoàng Mai đề xuất Hà Nội nên miễn phí đi xe buýt. Bởi theo đại biểu nếu so sánh với sự mất mát do tắc đường, ô nhiễm môi trường một năm đến nửa tỷ đô la chi phí đầu tư cho phương tiện công cộng là cần thiết. Từ đó, tạo thói quen cho người dân Thủ đô đi phương tiện công cộng.
Sau phần thảo luận của các đại biểu, ông Vũ Văn Viện nêu các giải pháp của Sở Giao thông vận tải Hà Nội trong thực hiện Đề án như giải pháp quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; giải pháp quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông; giải pháp quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.
Đáng chú ý, về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng, theo ông Viện, cơ quan này sẽ nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ.
"Sở cũng kiến nghị UBND TP. tiến hành rà soát, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng; có chính sách hỗ trợ khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động để thu hút nâng cao tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân", Viện nói.
Về lộ trình thực hiện các giải pháp, triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 2017-2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.
Giai đoạn 2017- 2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017- 2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận./.
Nên hay không nên cấm xe máy theo lộ trình tại Hà Nội?
Hà Nội cấm xe máy: Dễ hay khó?
Hà Nội cấm xe máy vào năm 2030: Căn cứ nào, liệu có khả thi?
Hà Nội sẽ cấm xe máy ở các quận nội thành từ 2030?