Clip thầy đánh trò, trò đánh lại thầy ngay trên bục giảng ở trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đang gây xôn xao dư luận. Về vụ việc này, có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng đa số đều cho rằng, không thể chấp nhận được hành động trái đạo lý này.
Giáo sư Trần Hải Linh, Giảng viên trường Đại học Inha, Hàn Quốc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, cảm giác đầu tiên của ông khi xem clip này đó là sự phẫn nộ. “Đây chỉ là hành động cá biệt nhưng đó là sự suy đồi đạo đức trong giáo dục, và dường như đạo đức học đường trong clip này đã đi xuống tận cùng. Hành động thầy trò đánh nhau là không thể chấp nhận được”.
Xây dựng nhân cách thông qua những việc rất nhỏ hàng ngày
Giáo sư Trần Hải Linh cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên các phương tiện thông tin đưa về những hành động tương tự như thế này diễn ra trong ngành giáo dục. Điều này cho thấy vấn đề đạo đức trong trường học đang xuống cấp một cách đáng lo ngại, khi mà thầy không ra thầy, trò không ra trò.
“Điều đầu tiên khi xem clip này là cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp của người thầy giáo. Cách giáo dục hiện nay không phải lấy đòn roi hay bạo lực để răn dạy học trò. Còn đối với học trò thì việc phản kháng và đánh lại thầy là việc làm đáng lên án. Tôi thực sự lo lắng khi vấn đề này đã, đang và có lẽ sẽ còn tiếp tục xảy ra. Điều này rất đáng lo ngại cho nền giáo dục của Việt Nam”- Giáo sư Trần Hải Linh trăn trở.
PV: Ông đã từng nhiều năm giảng dạy ở Hàn Quốc và một số nước, ông có thể cho biết ở nước ngoài, việc giáo dục nhân cách cho học sinh được coi trọng như thế nào?
Giáo sư Trần Hải Linh: Hàn Quốc là nước có nền giáo dục phát triển cao, trong đó họ coi trọng nhất là phát triển con người thông qua giáo dục. Đó là một trong những nguyên nhân chính làm nên “kỳ tích Sông Hàn” khiến cho cả thế giới khâm phục.
Giáo sư Trần Hải Linh |
Mục tiêu chính của giáo dục ở Hàn Quốc hiện nay là nhằm xây dựng một nền giáo dục mở, tạo cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời để họ có thể trở thành những con người mới có đủ tri thức, năng lực đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội thông tin và toàn cầu hoá.
Trẻ con ngay từ khi đi học mẫu giáo đã được thừa hưởng phương thức giáo dục khá bài bản. Điều đầu tiên trẻ em ở Hàn Quốc được học đó chính là xây dựng nhân cách thông qua những việc rất nhỏ thông qua giao tiếp, hoạt động thường ngày. Họ chuyển giáo dục trung tâm là thầy sang nền giáo dục lấy trung tâm là trò, từ giáo dục đồng bộ sang giáo dục đa dạng hóa, đặc trưng hóa.
Trong một xã hội đa văn hóa như Hàn Quốc hiện nay, xã hội - nhà trường - gia đình luôn có mối quan hệ tương tác mạnh mẽ trong việc đào tạo nên nhân cách con người, và điều đặc trưng nhất được thể hiện chính là mối quan hệ ứng xử giữa thầy và trò. Có thể nói Hàn Quốc đã làm rất tốt khi giáo dục gắn liền với văn hóa để hình thành nhân cách, đạo đức con người.
Đào tạo Đại học phải gắn với "đầu ra"
PV: Về sự tuyển chọn đầu vào, đào tạo trong Đại học và cả việc tuyển dụng đối với một ngành đặc thù là giáo dục, thì ở Hàn Quốc được quan tâm như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Trần Hải Linh: Cơ chế thi tuyển nặng về lý thuyết vào Đại học và Cao đẳng được vận hành trong suốt nhiều năm trước đây tại Hàn Quốc đã khuyến khích học sinh học thuộc lòng theo kiểu “học vẹt”, làm thui chột khả năng tư duy và hoạt động sáng tạo của họ không chỉ trên ghế nhà trường mà còn cả sau khi tốt nghiệp.
Điều này đã được Chính phủ Hàn Quốc nhận ra và đã tiến hành cải cách trong những năm gần đây cho phù hợp với quá trình phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc, cũng như hội nhập trong quá trình toàn cầu hóa cùng với việc phát triển nền kinh tế tri thức.
Các trường Cao đẳng và Đại học ở Hàn Quốc đến nay đều duy trì cơ chế tuyển sinh khá độc lập nhưng vẫn rất chặt chẽ.
Hình ảnh thầy đánh trò, trò đánh lại thầy ngay trên bục giảng ở trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã thực sự gây "sốc" trong dư luận |
Đối với việc đào tạo sinh viên trong ngành đặc thù như Giáo dục thì tiêu chuẩn cũng không khác nhiều đối với sinh viên theo học các ngành khác. Việc tuyển chọn sinh viên được quyết định dựa trên thành tích học tập của học sinh tại trường Trung học và kết quả mà họ đạt được tại các cuộc thi theo tiêu chuẩn quốc gia để vào các chuyên ngành phù hợp.
Ngoài ra, một số trường Cao đẳng và Đại học còn yêu cầu thí sinh dự tuyển làm thêm bài thi viết luận theo quy định riêng của trường để đánh giá khả năng tư duy của từng học sinh. Thường các trường có thứ hạng cao thì điều kiện đầu vào cũng ngặt nghèo hơn.
Đa số các sinh viên theo học ngành Giáo dục đều được tuyển dụng ở các vị trí phù hợp ngay sau khi ra trường, bởi các trường Đại học ở Hàn Quốc đều có "giới hạn" đào tạo cho đủ với tình hình thực tế.
PV: Là một người khá quan tâm đến tình hình giáo dục trong nước, ông có đề xuất gì để những việc cá biệt như vụ thầy đánh trò, trò đánh lại thầy không trở thành phổ biến?
Giáo sư Trần Hải Linh: Muốn thay đổi hoặc hạn chế tình trạng như trên có lẽ nền giáo dục chúng ta nên thay đổi cho phù hợp. Cần có sự đánh giá, thay đổi nhận thức và giải quyết có hiệu quả các đòi hỏi về việc cải cách toàn diện giáo dục, cũng như thay đổi cả ý thức và quan niệm về giáo dục trong toàn thể nhân dân.
Cải cách giáo dục không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà là của cả hệ thống xã hội, là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi gia đình, mỗi công dân, để tạo cơ hội cho mọi người có cơ hội được học tập trong suốt cuộc đời, để họ có thể trở thành những con người có đủ tri thức, năng lực đáp ứng được những đòi hỏi phát triển của xã hội trong thời kỳ toàn cầu hoá, trong đó lấy nhân cách, đạo đức con người làm trọng và lấy trung tâm là học trò.
PV:Xin cảm ơn ông./.