Chiều nay (12/6), UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tổ chức hội nghị giới thiệu và hợp tác phát triển tàu cá vỏ thép cho ngư dân.
Mỗi tàu vỏ thép đóng mới có giá trị 10,8 tỷ đồng, trong đó ngư dân phải bỏ ra 2,8 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được vay trả chậm trong vòng 5 năm với lãi suất 3%/năm. Được biết, đến thời điểm này, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã hỗ trợ đóng 6 tàu vỏ thép khai thác hải sản cho ngư dân các tỉnh Nam Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Quảng Bình.
Việc đóng tàu vỏ thép sẽ giúp ngư dân tỉnh Quảng Bình đánh bắt hải sản hiệu quả, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tàu đánh cá vỏ thép Hoàng Anh 01 do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang đóng tại cảng Sa Cần (Dung Quất), huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chiều 7/4 (Ảnh: Tuổi trẻ)
Ông Tôn Thất Vĩ, ngư dân vừa được ký kết đóng tàu vỏ thép ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tôi đã nghĩ tới việc đóng tàu vỏ thép từ lâu vì tàu vỏ thép có độ an toàn cao hơn tàu gỗ. Dân xã Đức Trạch chúng tôi chuyên chụp mực ở biển xa, nên đóng tàu vỏ thép sẽ khai thác được hiệu quả hơn. Tôi cũng muốn làm cho thật nhanh để ra khơi bám biển”.
Dịp này, lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã giới thiệu cho ngư dân tỉnh Quảng Bình về quy trình công nghệ đóng tàu cá vỏ thép tại Sông Đào, tính ưu việt về kỹ thuật, độ an toàn, khả năng nâng cao chất lượng bảo quản thủy sản.
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cam kết: “Với năng lực của chúng tôi thì đóng tàu cá vỏ thép một năm tối đa có thể được 500 tàu. Tỉnh Quảng Bình là địa phương có khối lượng tàu đánh cá tương đối lớn nên chúng tôi rất quan tâm”./.