“Có cổ phần hóa, mới thay đổi được bản chất công tác quản trị, lề lối làm việc, thay đổi tư duy để tìm đường ra cho DN” – Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Động lực từ thành công của Sông Cấm
Thực tế hiện nay, ngoài Đóng tàu sông Cấm có kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng thì hầu hết các công ty đóng tàu còn lại đều trong cảnh vô cùng khó khăn. Theo ông Phạm Mạnh Hà – Tổng giám đốc CTCP Đóng tàu sông Cấm, năm 2013, Công ty đạt doanh thu hơn 509 tỷ đồng, lợi nhuận 90,6 tỷ đồng. Quý I/2014, kết quả kinh doanh của công ty cũng hết sức khả quan với doanh thu đạt, gần 90 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm Công ty Đóng tàu Phà Rừng |
Tuy nhiên, như trên đã nói, ngoại trừ Sông Cấm thì những doanh nghiệp đóng tàu khác đều đang trong tình cảnh hết sức khó khăn. Tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long, Tổng giám đốc Nguyễn Tuấn Anh cho biết, năm 2013 công ty lỗ gần 170 tỷ đồng dù doanh thu đạt tới hơn 1.400 tỷ đồng. Tình hình tại 2 TCT Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng và Bạch Đằng cũng không có gì khả quan hơn nếu không muốn nói là còn “thê thảm” hơn nhiều.
Trở lại với trường hợp của Sông Cấm, doanh nghiệp cổ phần duy nhất trong các công ty đóng tàu thành viên thuộc Vinashin cũ nay là Tổng công ty đóng tàu VN (SBIC), trong khi các doanh nghiệp khác cùng thuộc SBIC thua lỗ liên miên nhiều năm qua thì doanh nghiệp này “âm thầm tiến lên với doanh thu và lãi năm sau vượt năm trước, đặc biệt từ khi chuyển sang mô hình cổ phần, liên doanh với đối tác Hà Lan – Damen. Cụ thể, năm 2010, giá trị sản lượng của công ty đạt 814,5 tỷ đồng. Sang năm 2011, con số này đã là 1.004 tỷ đồng, tăng thêm 100 tỷ đồng. Một năm sau đó, năm 2013, giá trị sản lượng của công ty đạt là 1.550 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2013. 2 năm 2014 – 2015, công ty cũng dự kiến đạt giá trị sản lượng tương ứng 1.900 và 2.180 tỷ đồng.
Sau khi sáp nhập vào CT Đóng tàu Sông Cấm, người lao động của CT Đóng tàu Bến Kiền cũ không còn tình trạng nghỉ việc, thu nhập tăng, bình quân đạt 8,5 triệu đồng/tháng |
Đặc biệt, sau khi tiếp nhận Công ty Bến Kiền theo kế hoạch tái cơ cấu SBIC (từ tháng 11/2013), Sông Cấm tiếp tục đưa Bến Kiền từ chỗ thu nhập việc làm của người lao động không ổn định, không có định hướng lâu dài, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng không phát huy hết công suất, máy móc hư hỏng, tài chính mất cân đối… trở thành một chi nhánh năng động, nhiều việc làm. Người lao động của Bến Kiền cũ không còn tình trạng chờ việc, nghỉ việc, thu nhập cũng tăng, bình quân đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Thành công của Sông Cấm cũng là động lực để các DN đóng tàu khác thuộc SBIC vượt khó và cổ phần hóa (CPH), chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP chính là con đường không thể khác nếu các doanh nghiệp này muốn tồn tại và phát triển như cách nói của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong buổi thăm và làm việc với 4 doanh nghiệp đóng tàu thuộc SBIC trong 2 ngày 10-11/4/2014.
Đã có nhà đầu tư nước ngoài “ngắm” các công ty đóng tàu
Liên quan đến việc tìm đối tác chiến lược cho công ty, TGĐ Sông Cấm Phạm Mạnh Hà cho biết, sau khi sáp nhập Bến Kiền vào Sông Cấm, Damen (thương hiệu đến từ Hà Lan đồng thời cũng là thương hiệu số một thế giới về tàu hộ tống tàng hình lớp Sigma - loại tàu cực hiện đại đang đóng vai trò xương sống trong các hạm đội tàu quân sự của nhiều quốc gia phương Tây) muốn mua 70% cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược của Công ty này. “Theo lộ trình, từ quý III/2014, công ty sẽ đàm phán với Damen để bán 50% cổ phần và tiếp tục bán đến 70% cổ phần vào thời gian tiếp theo” – ông Hà cho biết.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ GTVT Vũ Anh Minh cũng tiết lộ hiện Damen đang có ý định tiếp tục đầu tư vào Công ty Đóng tàu Hạ Long với mức tham gia tương đương ở Sông Cấm.
Về các khó khăn khi CPH, ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch HĐTV SBIC cho biết đa số các đơn vị trong Tổng công ty đều lỗ lũy kế và vốn chủ sở hữu âm với giá trị rất lớn. Do đó, để các đơn vị có đủ điều kiện CPH, Bộ Tài chính cần xem xét cấp đủ vốn điều lệ cho các đơn vị giữ lại. Bên cạnh đó, việc miễn toàn bộ nghĩa vụ thuế phải nộp đối với các đơn vị thuộc diện giữ lại trong mô hình Tổng công ty cũng rất cần thiết. Ông Sự cũng đề nghị Chính phủ xóa toàn bộ nợ lãi và xóa 70% nợ gốc đối với tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nước mà không phân biệt mục đích cho vay…
Ngoài ra, theo ông Sự, khi xử lý tái cơ cấu nợ, những đơn vị thành viên vẫn âm vốn chủ sở hữu. Chính phủ cần có cơ chế chuyển các khoản nợ về công ty mẹ để đủ điều kiện tiến hành CPH (không âm vốn chủ sở hữu). Nguồn bù đắp các khoản đã chuyển về công ty mẹ được lấy từ tiền bán cổ phần thu được khi CPH. Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp, kiến nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế hỗ trợ công ty mẹ thông qua hình thức tái cơ cấu nợ, bù đắp lỗ./.