Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường đại học theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Đến nay, qua một nửa thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1, nhiều thí sinh lo lắng, quy định này dẫn đến tình trạng nguyện vọng “ảo” ở các ngành, khoa của một trường, gây khó khăn cho việc theo dõi hồ sơ và dự báo cơ hội trúng tuyển.
Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cho rằng, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng sẽ tăng cơ hội trúng tuyển.
Kỳ tuyển sinh ĐH 2015 đang ở giai đoạn "nước rút" nhưng nhiều thí sinh vẫn hoang mang cơ hội trúng tuyển |
Sau khi nhận được phiếu báo điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2015, em Lê Thị Xiêm, ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Hà Nội. Mặc dù điểm thi 3 môn của Xiêm đạt 23,25 điểm (chưa nhân hệ số 2 môn Ngoại ngữ), nhưng em vẫn lo không biết cơ hội trúng tuyển của mình như thế nào.
Lý do là, theo quy định của Bộ, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường. Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang nguyện vọng 2 và xét bình đẳng với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành đó và tương tự như vậy đối với các nguyện vọng 3, 4, nên rất khó biết được điểm thi của mình đứng thứ bao nhiêu.
“Em nộp hồ sơ vào ngành Ngôn ngữ Anh, hơi lo lắng vì không biết là mình có trúng tuyển hay không. Bởi vì có thể là mình đăng ký nguyện vọng 1 là ngành Ngôn ngữ Anh, nhưng bạn kia lại đăng ký nguyện vọng 2 cho nên không thể biết chính xác được là mình đứng thứ bao nhiêu, thật sự có bao nhiêu bạn đăng ký vào ngành của mình. Em thấy bất lợi, bởi vì các bạn nếu trượt nguyện vọng 1 mà được xét sang nguyện vọng 2 bình đẳng thì hơi bất lợi với bạn ít điểm hơn. Qua một thời gian mới biết, em sợ là không rút hồ sơ kịp để nộp sang trường khác” – Xiêm nói.
Em Nguyễn Bạch Thủy Tiên, ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, việc thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào một trường sẽ gây khó khăn cho thí sinh khi theo dõi điểm thi của mình xếp thứ bao nhiêu (tính từ cao xuống thấp). Do vậy, thí sinh khó dự báo được cơ hội trúng tuyển, hoặc không trúng tuyển để kịp thời điều chỉnh nguyện vọng hoặc rút hồ sơ nộp sang trường khác.
Nguyễn Bạch Thủy Tiên cho rằng: “Tại vì nếu một bạn điểm cao đăng ký 4 ngành thì tên của bạn ấy sẽ có cả trong 4 nguyện vọng, các bạn điểm thấp thứ hạng sẽ bị thấp đi, sẽ có ít cơ hội đỗ hơn. Sẽ có nhiều cơ hội đỗ đại học cho các bạn điểm cao, còn các bạn điểm thấp thì sẽ có chút hoang mang. Em nghĩ là trường nên làm thống kê cụ thể vào từng ngành, thứ tự của học sinh theo từng ngành”.
Trao đổi với phóng viên VOV, lãnh đạo các trường đại học cho biết, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào một trường là tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển. Quy định xét tuyển 4 nguyện vọng trong một trường được thực hiện đồng thời cũng gần giống với phương thức xét tuyển theo “điểm sàn” vào trường mà nhiều trường đại học, cao đẳng đã áp dụng trong những kỳ tuyển sinh trước.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương phân tích: “Thực tế trường Ngoại thương các năm trước lấy điểm sàn vào, sau đó các bạn không đủ điểm vào ngành này thì sẽ được chuyển sang ngành khác. Phương thức năm nay là các bạn đăng ký trước thứ tự ưu tiên ngành, nếu không được vào ngành 1 mình sang ngành 2 thì cũng không khác gì điểm sàn vào trường. Với cách xét điểm sàn vào trường, chúng tôi thấy chất lượng thí sinh rất là tốt. Tôi nghĩ nếu thí sinh theo dõi danh sách thí sinh nộp hồ sơ thì hoàn toàn các em có thể tính toán và biết được vị trí của mình”.
Ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hà Nội cho rằng, việc xét tuyển đồng thời các nguyện vọng 1, 2, 3, 4 của thí sinh trong một trường sẽ giảm được sự chênh lệch về điểm trúng tuyển giữa các ngành trong một trường, các trường sẽ tuyển được thí sinh chất lượng tốt hơn.
Nếu thí sinh đăng ký thêm các nguyện vọng 2, 3, 4 thì tình trạng cùng một trường đại học nhưng thí sinh có điểm xét tuyển cao thì trượt, còn thí sinh có điểm thấp hơn lại trúng tuyển như những năm trước đây cũng sẽ được hạn chế.
Ông Lê Quốc Hạnh chia sẻ: “Dường như đó là sự không công bằng với những em điểm thấp, cơ hội của họ trở nên ít hơn. Nhưng ngược lại, đặt vấn đề nếu một em thí sinh điểm thấp hơn được vào, còn em học sinh thực sự có năng lực hơn, điểm cao hơn mà lại không được vào thì dường như sự bất công lại lớn hơn.
Việc chúng ta buộc phải tiến hành là em học khá hơn được vào đại học, thứ 2 là các trường có cơ hội tuyển được đầu vào chất lượng cao hơn thì giảm thiểu mất cơ hội của những em điểm thấp đó là điều rất đáng tiếc. Nhưng suy cho cùng, đã sinh ra thi cử, tuyển sinh thì người có điều kiện đầy đủ hơn, tốt hơn vào đại học là công bằng hơn”.
Hiện nay, các trường đại học đều cập nhật danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển 3 ngày một lần, nhiều trường còn cập nhật hàng ngày. Danh sách thí sinh có thể xếp theo điểm từ cao xuống thấp, hoặc danh sách theo nguyện vọng xét tuyển.
Vì vậy, các thí sinh có thể căn cứ vào phổ điểm của các thí sinh cùng đăng ký xét tuyển để dự báo cơ hội trúng tuyển của mình./.