Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện tuyển sinh ĐH, CĐ kết hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, theo đó, Bộ GD-ĐT cũng đã nhận được ý kiến phản hồi từ dư luận.

Không phải là bỏ thi ĐH

Theo GS. Hoàng Tụy: Muốn đánh giá về kỳ thi năm nay, trước hết phải nhìn lại cách thi và mùa thi những năm trước. Suốt một thời gian dài, chúng ta đã quá quen với hình ảnh người người đi thi, nhà nhà đi thi, cả nước đi thi khi mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH đến. Cách thi ấy không tiêu cực chỗ này thì chỗ khác. Trên thế giới không ai thi như vậy.

gs_hoang_tuy_ipqi.jpg
GS.Hoàng Tụy

Giảm tiêu cực thi cử cũng cần nhưng chưa đủ, phải xem thay đổi bản chất của kỳ thi. Về nguyên tắc, sau THCS trở đi, mỗi cấp học đều phải đào tạo chuyên (ở mức độ thích hợp) một hoặc một vài ngành nghề hay lĩnh vực. Vì thế một số học phần học sinh phải nắm vững khi ra trường, bởi vậy học xong sẽ thi ngay, cuối cấp không thi lại nữa. Nói “có học có thi” phải hiểu là như vậy, không phải học môn gì thì cuối cấp phải thi lại hết.

Thi “hai chung” không phải là bỏ thi như một số người hiểu lầm, mà là thay kiểu thi tốt nghiệp nặng nề cũ bằng một cách thi khác, hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 với hình thức thi cử mới, xét tốt nghiệp có đánh giá cả quá trình học tập của thí sinh ở bậc THPT thể hiện được sự đánh giá toàn diện. Với hình thức thi 3 môn chính Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn tự chọn là rất đúng đắn, tạo điều kiện cho thí sinh phát huy được năng lực và sở trường của mình.

Cách thi này phù hợp với tính chất của bậc học THPT, tránh được rủi ro “học tài thi phận”, tránh được các tiêu cực thường xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp kiểu cũ, đồng thời cung cấp thông tin để các trường ĐH dựa vào đó tuyển sinh.

GS Hoàng Tụy khẳng định: Trong Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, cải cách thi cử là khâu đột phá, cực kỳ quan trọng. Thay đổi khâu đó sẽ tác động đến việc giảng dạy, học tập và mở đường cho những cải cách về chương trình, sách giáo khoa.

Một thay đổi lớn là thay cho hai kỳ thi riêng biệt cách nhau một tháng, nay gộp lại chỉ còn một kỳ thi duy nhất. Chỉ riêng điều này đã tiết kiệm được một khối lượng lớn công sức, tiền của cho xã hội và Nhà nước.

Theo GS.Hoàng Tụy, vấn đề phức tạp ở chỗ thi tốt nghiệp và thi tuyển vào ĐH có những yêu cầu rất khác nhau, không dễ kết hợp được trong một kỳ thi duy nhất. Nếu làm không tốt, không đúng, sẽ còn tai hại hơn là cứ để hai kỳ thi như cũ. Rất may là kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã giải quyết được mắc mứu đó, để có một kỳ thi "hai trong một" thành công.

Liên quan tới kỳ thi này, GS. Nguyễn Minh Thuyết,nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hộicũng cho rằng: Nếu tuyển sinh theo cách làm ở những năm trước, sẽ có nhiều trường hợp các em học sinh đạt điểm cao nhưng không vào được trường mình yêu thích. Ví dụ, có những năm thi vào Đại học Y Hà Nội, thí sinh đạt 27 điểm vẫn có khả năng trượt.

GS. Nguyễn Minh Thuyết

Chuyện đó năm nào cũng có thể xảy ra. Chỉ có điều khác biệt là, các năm trước, học sinh muốn thi vào trường nào thì ghi tên vào đúng trường ấy. Các em sẽ thi tại các cụm thi của trường, nên các em có thể xem phổ điểm của trường đó để tự xác định vị trí của mình, nếu thấy khả năng không trúng thì có thể chuyển ngay sang nguyện vọng 2.

Năm nay, các trường tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc với kết quả thi chung, học sinh chỉ ghi nguyện vọng sau khi đã biết điểm… cho nên việc xác định danh sách cạnh tranh là khó. Học sinh không biết mình ở vị trí nào, nên vào trường nào.

Bộ GD-ĐT cũng đã quy định các trường 3 ngày phải công bố tình hình tuyển sinh của mình để thí sinh biết, lựa chọn. Bước đầu thí sinh và cả các trường sẽ gặp phải một số khó khăn.

Thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển vào ĐH sau khi nhận kết quả kỳ thi THPT Quốc gia

Cần một số thay đổi, cải tiến

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, sang năm chúng ta chưa thể đổi ngay cách tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ được mà vẫn phải thi chung như năm nay, nhưng phải có một số cải tiến.

“Phải để cho thí sinh tự chọn cụm thi của mình, tránh quy định các cụm thi cứng theo ranh giới hành chính; phải để cho các trường đại học, cao đẳng được quyền công bố ngay từ đầu phạm vi tuyển sinh của mình; việc công bố điểm nên để cụm thi nào thì công bố điểm cho cụm thi ấy chứ không nên đưa tất cả về Bộ như năm nay. Về lâu dài, việc thi tốt nghiệp nên giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức và không nhất thiết cả nước phải thi vào cùng một ngày. Nên để các trường ĐH, CĐ tự xác định phương án tuyển sinh’ – GS. Nguyễn Minh Thuyết đề xuất.

TheoGS Hoàng Tụy: Sau kỳ thi đầu tiên này, Bộ cần lắng nghe ý kiến của dư luận về các hạn chế và thiếu sót của kỳ thi đổi mới để rút kinh nghiệm, năm sau có một kỳ thi càng tốt hơn nữa.

Sau thành công đổi mới thi cử điều xã hội đang mong và kỳ vọng là đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Khâu này sẽ động chạm rất nhiều vấn đề về tư duy, quan niệm, cách làm, tất cả đều cần suy nghĩ đổi mới./.