“Giảm để… tăng”, thoạt nghe có vẻ phi lý nhưng nếu để liên hệ với một chủ trương mới đây của Bộ GD&ĐT, ngẫm ra lại thấy... có lý.
Đó là quyết định khống chế tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm sau không được cao hơn năm trước, tỉnh nào có tỷ lệ tốt nghiệp quá cao hoặc cao hơn năm trước sẽ... bị hạ một bậc thi đua.
Quyết tâm lạ lùng này của Bộ GD&ĐT được đưa ra trong Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp tổ chức mới đây tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
Ai cũng hiểu, quyết tâm trên được đưa ra nhằm “chữa trị” một căn bệnh trầm kha lâu nay của ngành giáo dục: Bệnh thành tích.
Và chủ trương trên, chắc chắn, là một liều thuốc đắng để chữa một căn bệnh đã trở thành “nan y” mà Bộ GD&ĐT bấy lâu nay vẫn xoay xở tìm thuốc chữa.
Đã từng có lúc, trường trường, lớp lớp, rồi thầy thầy, trò trò nô nức thi đua nhau dạy tốt, học tốt. Nhưng rồi, chính điều này đã tạo nên căn bệnh thành tích, hình thức, dẫn tới chất lượng học tập không thực chất, trường nào trường ấy chỉ chạy theo những con số đẹp, những báo cáo hay. Rồi sau đó, lại xuất hiện một phong trào chống bệnh thành tích trong toàn ngành giáo dục.
Và quyết tâm trên, cũng là nỗ lực của ngành trong việc giải quyết vấn đề trên.
Tuy nhiên, rõ ràng, chủ trương này là rất bất ổn, duy ý chí, phi khoa học, thể hiện phần nào sự bất lực của Bộ GD&ĐT trong việc giải quyết bệnh thành tích.
Sẽ ra sao nếu như từ nay, các thầy cô và học sinh sẽ phải ngừng phấn đấu và thôi cố gắng vì sợ bị... hạ thi đua.
Về bản chất, thi đua là một hình thức rất tốt, rất đáng cổ vũ, khích lệ, không chỉ trong ngành giáo dục mà trong tất cả các lĩnh vực khác của xã hội. Bởi nó tạo nên động lực cho con người vươn lên phía trước, khắc phục những khó khăn để cùng nhau cố gắng. Một xã hội, một ngành, một con người chỉ có thể thi đua để tiến lên chứ không thể thi đua để... tụt lùi.
Một minh chứng rất rõ ràng là trong chiến tranh, cả đất nước sôi nổi thi đua với những phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Hai tốt”... tạo nên năng lực sản xuất to lớn, tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù.
Thi đua chỉ trở nên tiêu cực khi khoác trên mình những động cơ không tốt, khi người thực hiện nó chỉ nhăm nhăm nghĩ đến những con số đẹp mà không chú trọng tới thực chất. Và khi ấy, kết quả của thi đua sẽ là phản tác dụng, thậm chí dẫn đến những hậu quả tai hại.
Cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, bệnh thành tích không chỉ là căn bệnh riêng có của ngành giáo dục.
Bởi vậy, nếu từ “logic” trên của Bộ GD&ĐT mà suy ra, sẽ có thể thấy ngay những ví dụ rất... nực cười. Chẳng hạn, trong ngành thể thao, để tránh tình trạng gian lận trong thi đấu, doping, cá độ... ngành thể thao sẽ phải đưa ra quan điểm: Thành tích năm sau không được đạt và vượt so với năm trước, cấm không được phá kỷ lục của năm trước. Tương tự, trong kinh tế sẽ là năng suất năm nay không được cao hơn năm trước... Do đó, dẫu với chủ ý tốt, nhưng chủ trương trên của ngành giáo dục vẫn chỉ là sự loay hoay, bế tắc và bất lực trong việc giải quyết căn nguyên của vấn đề.
Thay vì có những quyết tâm kiểu “hạ thành tích để chữa bệnh thành tích”, ngành giáo dục cần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng dạy và học, củng cố và nâng cao đạo đức của giáo viên, tạo nên động lực phấn đấu, thi đua thực sự trong dạy và học chứ không phải là sức ép về điểm số, về xếp hạng thi đua... thì chắc chắn, bệnh thành tích sẽ nhanh chóng tiêu tan./.