Một năm học lại vừa khép lại, ve chưa kịp rộ kêu gọi hè, dư luận đã râm ran không chỉ lo chuyện học hè, luyện thi, học thêm, học trước chương trình... mà còn phải buồn lo chuyện đây đó có quá nhiều... học sinh giỏi. Buồn hơn khi nó toát ra từ chính những câu nói ngây thơ của con trẻ, kiểu như: Có nhiều bạn học kém hơn con, toàn hỏi bài con mà vẫn được học sinh giỏi!
Nhiều bạn học kém hơn con, vẫn được học sinh giỏi
Mới đây, trên VnExpress có đăng ý kiến của một bạn đọc rằng: “Tôi đã phải nghẹn ngào và lúng túng trước những câu hỏi ngây thơ của con trẻ khi con buồn bã trở về nhà từ buổi tổng kết cuối năm học: Mẹ ạ, con chỉ được học sinh tiên tiến. Nhưng hôm nay các bạn đều ngạc nhiên hỏi nhau vì sao con lại không được học sinh giỏi. Có nhiều bạn học kém hơn con, toàn hỏi bài con vẫn được học sinh giỏi. Hay tại vì con không đi học thêm của cô chủ nhiệm nên thế hả mẹ? Các bạn đi học thêm toàn được làm và chữa bài kiểm tra trước, hôm sau chỉ cần chép lại và toàn được điểm cao. Con thấy nhiều bạn không xứng đáng".Thắc mắc của em học sinh này chỉ là một trong rất rất nhiều những thắc mắc (dù nói ra hoặc không) của hàng triệu học sinh và phụ huynh hiện nay. Nó cũng là nỗi đau cho nền giao dục khi các phụ huynh, các nhà trường đều có thể biết rõ vì sao ra nông nỗi, nhưng lại không nói ra. Thành thử, người thì chấp nhận ngậm ngùi khi con mình trượt danh hiệu học sinh giỏi, trong khi người khác lại hả hê với thành tích đó.
Thẳng thắn ra, căn nguyên chuyện này có phần hình thành từ việc phụ huynh “sánh bước” cùng con tới trường. Bởi lẽ, trong số hàng triệu phụ huynh tham gia vào hội phụ huynh học sinh, không ai thống kê được hết số lượng và sự hăng hái của họ khi hô hào nhau đóng góp tiền của để hiện đại hóa trường lớp (bằng máy chiếu, điều hòa, tivi, bảng, loa...) và còn lo thăm hỏi thầy cô “chu đáo” mỗi dịp lễ, tết. Cùng với đó, phụ huynh cũng làm ngơ, bao che, thậm chí hăm hở cho con đi học thêm hết thầy này, cô kia... cho dù thừa biết con họ đi học thêm để “được làm và chữa bài kiểm tra trước, hôm sau chỉ cần chép lại và toàn được điểm cao”.
Tất cả đều đã có chủ đích với ngụ ý “ghi điểm” ngoài giờ học để mong thầy cô, nhà trường quan tâm, ưu ái con mình hơn con người khác, không chỉ ở thái độ giảng dạy mà còn là bảng thành tích học tập.
Hơn nữa, khó ai dám phủ nhận rằng, trong nền giáo dục này, 100% nhà trường và giáo viên đều liêm khiết, công minh. Thế nên, vẫn có không ít phụ huynh không muốn mà vẫn phải “đi cửa sau” với nhà trường, thầy cô để mong con em mình... được yên.
Chính vì thế, những câu hỏi nêu trên, các phụ huynh, thầy cô, nhà trường đều biết vì sao, nhưng hiếm ai nói ra một cách chính thống, có chăng chỉ là bàn tán vỉa hè. Và tất cả họ đều giống nhau là không hành động để con trẻ không còn phải hỏi những câu như thế.
Nền giáo dục lại có thêm... bệnh
Không chỉ “đi học thay con” như nêu trên, một trào lưu nữa khởi phát từ phụ huynh và đang lan nhanh như một căn bệnh quái ác cho nền giáo dục. Đó là việc nhiều phụ huynh đang tìm mọi cách, dùng mối quan hệ, dùng tiền bạc để “mở cửa” cho con mình vào học tại một trường có danh tiếng, bất chấp lực học của con ra sao.
Vì thế mà đây đó, trong công sở, ngoài quán trà đá vỉa hè... không hiếm người khoe khoang, tự hào về thành tích mình đã chạy chọt cho con vào trường này, lớp kia với giá mấy nghìn đô, hay vài chục triệu đồng.... Sau thành tích đó là hy vọng một tương lai rạng ngời sẽ đến với con em họ nhờ cái danh của trường. Đồng thời, nó còn là một sự thể hiện đẳng cấp, vị thế của phụ huynh khi “thiết kế” được con mình ngồi cùng lớp với con ông nọ, bà kia có tầm cỡ trong xã hội...
Trào lưu này cho thấy, dường như trong xã hội đang có lối tư duy cứ cho con vào trường tốt, thì khi ra trường, con sẽ thành nhân tài, thành người tốt. Đã thế, hằng ngày, trên nhiều diễn đàn, vẫn có những ông bố, bà mẹ thốt kêu ca thương con trẻ giờ phải học nhiều đến mất cả mùa hè, quên cả cảm giác chờ nghỉ hè để về quê nội ngoại, thậm chí, trong giấc mơ các con vẫn phải nhẩm tính làm bài tập cô giao...
Nhưng những thốt lên đó chỉ tô đậm thêm cho nghịch lý, vì sau đó chẳng mấy người dám dũng cảm cho con nghỉ hè thực sự. Hay người ta có thể biết, thậm chí nói ra miệng về cái sự không cần thiết phải chạy chọt vào trường này, lớp kia, không cần phải học thêm... nhưng chính họ lại không yên tâm, rồi cũng cạy cục mà lo cho bằng được.
Nhớ lại xưa kia mỗi lớp thường có đủ thành phần học lực từ xếp loại kém, trung bình, khá, giỏi, trong đó loại giỏi là của hiếm. Nay thì học sinh yếu, kém thành của hiếm, học sinh giỏi là phổ biến, thậm chí đang học sinh giỏi đang rộ lên, trở thành như một lẽ đương nhiên ở rất rất nhiều trường, lớp. Nhưng với thành tích ấy, không phải ở trường nào, lớp nào, với ai cũng đáng để vui.
Rõ ràng, tiên trách kỷ hậu trách nhân, chính cha mẹ là người đang đẩy con em mình vào vòng xoáy quay cuồng của sự học, học mà không cần biết sẽ làm gì với những kiến thức họ đang tìm cách nhồi nhét vào đầu các con. Khi em học sinh phải hỏi rằng “vì sao con không được học sinh giỏi”, và những dẫn chứng em đưa ra để chứng minh bạn đạt học sinh giỏi nhưng không đáng phục, cho thấy em có cảm nhận về một sự không công bằng ngay trước mắt mình.
Như thế, sẽ thật khó để giáo dục em phải luôn nỗ lực hết mình trong mọi hoạt động sống. Và sẽ thật nghiệt ngã khi không ít phụ huynh vẫn rao giảng cho con em họ rằng, “hãy đi bằng chính đôi chân của mình, đừng mong chờ sự giúp đỡ hay dựa dẫm vào người khác”. Nhưng thực tế, chính họ lại đang vô tình hay cố ý biến con mình thành... học sinh giỏi nhưng khiến bạn bè chúng ngỡ ngàng, không nể phục thành tích đó.
Như thế, tương lai nào sẽ đến với các em khi đứa thì không tin danh hiệu học sinh giỏi, không phục bạn bè, đứa thì lại mải hả hê với thành tích ảo của mình? Liệu câu chuyện “ông bỏ ra chân giò thì bà thò chai rượu” có bị những ai đó biến thành lẽ đương nhiên trong nền giáo dục nước nhà?./.