Bộ GD-ĐT và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam vừa ký thỏa thuận về việc thí điểm dạy tiếng Hàn ở cấp trung học.

Theo văn bản ký kết, hai bên sẽ hợp tác triển khai dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ thứ hai ở cấp trung học trên toàn quốc nhằm tăng cường khả năng ngoại ngữ cho học sinh trong bối cảnh phát triển đa ngôn ngữ. Qua đó, xây dựng nền tảng để có thể phát triển tiếng Hàn thành ngoại ngữ 1 trong thời gian phù hợp.

Xung quanh việc thí điểm dạy tiếng Hàn Quốc từ năm học 2016-2017, học sinh một số trường THCS ở Hà Nội có những quan điểm, ý kiến khác nhau.

Tiếng Hàn Quốc phải thiết thực với đời sống và tạo việc làm cho người học

Chưa quen với việc tiếng Hàn Quốc được giảng dạy ở cấp THCS, Nguyễn Hằng Xuân, trường THCS Trưng Vương cho rằng, tiếng Hàn Quốc gồm nhiều nét tượng hình nên khó học hơn tiếng Anh hay ngoại ngữ khác.

Học sinh Nguyễn Hằng Xuân

Vì có thể tiếng Hàn Quốc chưa thu hút được nhiều học sinh đăng ký nên có thể chỉ được dạy thí điểm ở một số trường học. Nếu Bộ GD-ĐT chọn thí điểm dạy tiếng Hàn Quốc ở cấp THCS thì phải tính đến việc giảng dạy môn ngoại ngữ này ở cấp THPT để học sinh khi vào đại học là có thể tiếp tục phát triển môn học này cũng như có thể định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai.

Đa phần học sinh chọn học ngoại ngữ nào đều nhằm hướng tới có được công việc ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta phải nghĩ là hiện nay, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam như thế nào. Liệu sau này những người học tiếng Hàn có thể xin được việc làm ở các doanh nghiệp, công ty Hàn Quốc tại Việt Nam hay không?

Chính vì vậy, khi thí điểm giảng dạy tiếng Hàn Quốc ở cấp THCS, ngành Giáo dục phải tính tới có thiết thực với đời sống hiện tại cũng như tạo việc làm cho người học. Nếu thấy việc thí điểm trong một vài năm đầu không hiệu quả thì nên cho dừng ngay để đỡ gây lãng phí.

Giáo viên dạy tiếng Hàn Quốc phải phát âm chuẩn

Để học sinh thích thú với môn ngoại ngữ là tiếng Hàn Quốc rất cần giáo viên phải phát âm chuẩn, nắm chắc từ vựng, ngữ pháp. Nếu giáo viên không phát âm chuẩn ngay từ đầu thì học sinh sẽ bắt chước phát âm và hiểu các từ ngữ sai ngay từ khi bắt đầu học.

Học sinh Vũ An Khánh

Chính vì vậy, muốn có giáo viên dạy ngoại ngữ một cách chuẩn xác, trước khi dạy thí điểm, các thành phố nên cho giáo viên đi sang Hàn Quốc học tập, nghiên cứu một thời gian rồi mới về Việt Nam giảng dạy. Đó là ý kiến của Vũ An Khánh, lớp 9C, trường THCS Trưng Vương, Hà Nội.

Việc giảng dạy tiếng Hàn Quốc phải khiến học sinh thực sự yêu thích, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài. Giáo viên có thể cho học sinh nghe nhạc, tham gia các trò chơi, xem phim nói về đất nước, văn hóa, con người Hàn Quốc.

Tiếng Hàn Quốc đã khó nên học sinh không dễ dàng hiểu được ngay nên rất cần giáo viên viết và phiên tâm từng từ một trước khi có viết theo dòng. Sách giáo khoa cần có nhiều hình ảnh, mầu sắc hấp dẫn nói về đất nước, văn hóa, phong tục của Hàn Quốc.

Học 1-2 năm nếu chán thì sao?

Bạn Nguyễn Hà Mai Anh, học sinh trường THCS Hoàn Kiếm có suy nghĩ rằng, học sinh nào đã được bố mẹ xác định là sẽ đi du học hoặc sau này định hướng việc làm mà sử dụng tiếng Hàn Quốc thì có thể tham gia các khóa, chương trình đào tạo tiếng Hàn Quốc ở các trung tâm ngoại ngữ.

Học sinh Nguyễn Hà Mai Anh

Bộ GD-ĐT không nên thí điểm dạy tiếng Hàn Quốc ở cấp THCS vì ở cấp học này có rất nhiều môn, học sinh phải dành nghiều thời gian học tập rất nặng và còn phải ôn thi vào cấp THPT.

Nếu thí điểm dạy tiếng Hàn Quốc ở cấp THCS thì cũng phải dạy ở cấp THPT để học sinh có thể học liền mạch lên đại học và khi tốt nghiệp mới có thể xin được việc làm.

Không giống như những học sinh khác coi tiếng Hàn Quốc rất mới mẻ và còn e dè chọn là ngoại ngữ để học, Đặng Ngọc Linh, học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên lại rất thích thú khi thí điểm dạy tiếng Hàn Quốc và nếu được chọn, em sẽ chọn ngôn ngữ này để học.

Tuy nhiên, Ngọc Linh phân vân là nếu lúc đầu có nhiều học sinh chọn tiếng Hàn Quốc là ngoại ngữ để học trong 1 đến 2 năm đầu ở cấp THCS nhưng sau 2 năm, họ lại cảm thấy môn học này không còn hấp dẫn nữa và lại muốn chuyển sang học ngoại ngữ khác có được không? Nhà trường có tạo điều kiện để các bạn được học ngoại ngữ khác không?

Học sinh Đặng Ngọc Linh

Để nhiều học sinh lựa chọn tiếng Hàn Quốc là ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2 để học ở cấp THCS thì Bộ GD-ĐT phải đưa môn học này là môn thi tốt nghiệp THCS và THPT.

Tuy nhiên, cùng lo ngại với Đặng Ngọc Linh, em Trần Mai Anh, học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên nêu ý kiến, nếu học sinh chọn tiếng Hàn Quốc là ngoại ngữ để học thì cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi mới bước chân vào cấp THCS. Điều này tránh trường hợp có bạn học được 1 đến 2 năm nhưng sau đó cảm thấy chán, rồi lại muốn chuyển sang học tiếng khác.

Như vậy vừa mất thời gian, vừa phí phạm tiền của cha mẹ mà lại không theo kịp với các bạn học ngoại ngữ khác./.