Trước thông tin năm 2016 sẽ thí điểm dạy tiếng Hàn Quốc cho học sinh THCS tại Hà Nội và TP HCM như ngoại ngữ thứ 2 ở bậc trung học, hai Sở GD-ĐT này đã có phản hồi.

Chiều 16/2, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, bản thân ông chưa nhận được thông tin, cũng như chưa nhận được văn bản nào từ phía Bộ GD-ĐT đối với Hà Nội liên quan đến chủ trương thí điểm dạy tiếng Hàn tại 2 trường THCS như báo giới đưa tin.

Chia sẻ về việc Hà Nội đã có phương án chuẩn bị thí điểm dạy tiếng Hàn cho một số trường trong năm 2016 như thế nào, ông Hoan khẳng định: “Nếu lãnh đạo nào có nắm thông tin mình không biết. Riêng Phòng Giáo dục Trung học, hiện tại vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến việc này”. Một Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chia sẻ, có thể do không thuộc lĩnh vực của ông quản lý nhưng về mặt thông tin, bản thân ông cũng chưa nhận được văn bản nào liên quan mà chỉ mới đọc được chủ trương này qua báo chí.

han_quoc_hpru.jpg
Việc dạy tiếng Hàn được dạy thí điểm ở một số trường THCS tại Hà Nội và TP HCM từ năm nay

Về phía Sở GD-ĐT TP HCM, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học cho biết, hiện đơn vị này cũng chưa có quyết định cụ thể về việc sẽ thí điểm dạy tiếng Hàn cho những trường nào.

“Việc dựa trên tiêu chí gì và lựa chọn cụ thể trường nào, triển khai dạy/học bộ môn này ra sao, vào thời gian nào... chúng tôi chưa có quyết định bởi Bộ GD-ĐT chưa có chỉ đạo chính thức. Bản thân Phòng Giáo dục Trung học của Sở GD-ĐT TP HCM hiện cũng chưa nhận được văn bản nào từ phía Bộ GD-ĐT”- ông Tiến nói.

Trả lời câu hỏi, "Nếu trong năm học 2016-2017 TP HCM sẽ triển khai chủ trương thí điểm dạy tiếng Hàn ở một số trường THCS như văn bản kí kết, mọi công tác chuẩn bị liệu có thể đáp ứng được?", ông Tiến cho hay: “Vừa rồi chúng tôi có làm việc với các đơn vị ở Hàn Quốc. Nếu với quy mô chỉ khoảng vài trường, trước mắt sẽ đáp ứng được vì có sự hỗ trợ nhân lực từ phía Hàn Quốc. Tuy nhiên, chưa biết cụ thể chi tiết họ sẽ hỗ trợ bao nhiêu vì chưa có hướng dẫn chính thức từ Bộ GD-ĐT nên chúng tôi chưa thể triển khai.

Thứ hai, về lâu dài, các trường đại học của chúng ta đều có khoa tiếng Hàn nên nguồn lực giáo viên dạy tiếng Hàn ở TP HCM có thể đáp ứng được. Vì thế có thể nói rằng, với quy mô nhỏ, chúng tôi có thể hoàn thiện thủ tục và đủ nhân lực để triển khai được từ năm học 2016- 2017”.

Mỗi trường chỉ có vài lớp

Theo văn bản kí kết mới nhất của Bộ GD-ĐT cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Sở GD-ĐT Hà Nội và TP HCM sẽ thí điểm dạy tiếng Hàn ở bậc THCS vào năm 2016. Hai bên sẽ hợp tác triển khai dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ thứ hai ở bậc trung học trên toàn quốc.

Theo đó, từ năm 2016 sẽ thí điểm đưa tiếng Hàn vào dạy tại 2 trường THCS ở Hà Nội và 2 trường ở TP HCM. Mỗi lớp thí điểm 2 vòng liên tục trong 2 năm học liên tiếp để sau khi thí điểm có thể dễ dàng chuyển đổi thành môn học ngoại ngữ 1.

Tùy theo nhu cầu và điều kiện, thời lượng học thí điểm ngoại ngữ này được bố trí 3 tiết/tuần. Từ năm học 2020 - 2021, chọn một trường THPT ở Hà Nội và một trường ở TP HCM, mỗi trường tổ chức một lớp dạy thí điểm tiếng Hàn ở lớp 10.

Thông tin trên đã gây nhiều phản ứng trái chiều trên công luận. Theo một phụ huynh có con đang học cấp 2 tại Hà Nội, nhiều trường hiện nay dạy tiếng Anh cho học sinh trong vòng mười mấy năm nhưng nhiều em vẫn chưa rành ngoại ngữ. Vì thế phụ huynh này băn khoăn, vì sao các trường lại tiếp tục triển khai dạy tiếp tiếng Hàn mà không phải một ngôn ngữ “hot” nào khác hoặc đơn giản là cần nâng cao hơn nữa việc dạy tiếng Anh, thay vì dạy nhiều ngôn ngữ tràn lan.

Ông Phạm Ngọc Tiến cho rằng, việc học có hiệu quả hay không, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chủ trương dạy tiếng Hàn sắp tới sẽ trên cơ sở tự chọn và tự nguyện của các em, không phải bắt buộc học tiếng Hàn thay cho tiếng Anh. Các em có thể lựa chọn ngoại ngữ 2 hoặc ngoại ngữ 1 tùy thích.

Cũng giống một số ngôn ngữ khác hiện nay như tiếng Nhật, tiếng Trung, mỗi trường sẽ chỉ có vài lớp tiếng Hàn trên cơ sở danh sách đăng kí chọn lựa của học sinh chứ không bắt buộc.

“Chủ trương của Sở GD-ĐT TP HCM là triển khai nhiều ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu trong tiến trình hội nhập nên sẽ có thêm tiếng Hàn theo hợp tác này. Ở thành phố lớn, học sinh rất cần nhiều ngôn ngữ. Riêng ở TP HCM, trình độ các em hoàn toàn có thể đáp ứng được việc học này”- ông Phạm Ngọc Tiến chia sẻ./.