Bắt đầu từ 6h sáng đến 22h đêm 20/11/2016, chương trình cầu truyền hình “Ngày thầy trò” do Đài Tiếng nói Việt Nam kết hợp với Mobi TV thực hiện, sẽ diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ những nơi hải đảo xa xôi như Trường Sa, các vùng giáp ranh biên giới như Hà Giang, tới những vùng đất còn đang hứng chịu hậu quả thiên tai lũ lụt như Hà Tĩnh…
Đây là chương trình truyền hình quy mô lớn, với mục tiêu đề cao đạo nghĩa thầy trò, tinh thần hiếu học, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ ngàn xưa của người Việt Nam, phản ánh một ngày đặc biệt trong cuộc sống của người dân Việt Nam – một dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, một dân tộc luôn coi việc kính trọng những người thày giáo là một trong những thước đo lớn nhất về đạo nghĩa.
Chương trình cầu truyền hình “Ngày Thầy trò” sẽ diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc |
Chương trình sẽ có những điểm cầu tại Lũng Cú (Hà Giang), đảo Lý Sơn, trường học tại Trường Sa, các điểm cầu tại Cần Thơ, Huế, các vùng đất còn đang chịu thiên tai như Hà Tĩnh…
Tại mỗi điểm cầu, chương trình sẽ phản ánh không khí tưng bừng chào mừng ngày lễ Hiến chương các nhà giáo 20/11, cùng với đó là những câu chuyện kể về tình thầy, nghĩa trò. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ có những toạ đàm về đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt với sự tham dự của Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà sử học Dương Trung Quốc… Câu chuyện đạo nghĩa thầy trò qua cầu Truyền hình cũng sẽ được phản ánh trên mọi mặt, mọi lĩnh vực, với sự tham gia của cả những tuyển thủ nổi tiếng như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
Đặc biệt, chương trình sẽ nhấn mạnh vào những câu chuyện “tôn sư trọng đạo”, chuyện thầy, chuyện trò ở những nơi còn chịu nhiều khó khăn, vất vả như những vùng biên cương, hay hải đảo, nhằm nêu cao tinh thần học tập, tôn vinh các thầy cô hết lòng vì thế hệ tương lai của Việt Nam.
Nói về lý do tổ chức chương trình, ông Nguyễn Trung Hùng, phụ trách truyền thông dự án “Ngày thầy trò”, chia sẻ: “Có thể mỗi ngày, chúng ta vẫn phải nghe đây đó có những câu chuyện đau lòng về các tệ nạn chốn học đường. Điều đó khiến cho không ít người lo lắng, thậm chí hoài nghi về thực trạng của nền giáo dục cũng như đạo đức của học trò thời nay. Tuy nhiên, chúng ta không vì những hiện tượng đơn lẻ ấy mà quy chụp cả toàn thể”.
Chương trình cũng sẽ có những đàm về đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt với sự tham dự của Giáo sư Ngô Bảo Châu |
Ông Hùng khẳng định: “Đã có và luôn có biết bao nhiêu những tấm gương ngời sáng về người thầy ở mọi miền tổ quốc, những người đã thầm lặng hy sinh để cõng cái chữ lên rừng, xuống biển, mang đến những bài học làm người cho các thế hệ học trò; vẫn có biết bao nhiêu những tấm gương hiếu học và những câu chuyện cảm động về đạo nghĩa thầy trò. Và hơn hết, trong mỗi người chúng ta, dù không theo nghề giáo, hay không còn là học trò nữa, nhưng vẫn luôn đau đáu trong tim mình hình ảnh người thầy thân yêu cùng các bạn học cũ và mái trường xưa. Những cảm xúc ấy lại ào về trong mỗi dịp 20/11”.
“Bởi thế thông qua chương trình này, chúng tôi muốn biểu dương những tấm gương sáng về giáo dục vẫn tỏa ngời trên mọi miền quốc, muốn khơi dây những cảm xúc trong sáng nhất trong trái tim của mỗi người về đạo học. Chúng tôi muốn nói đến những câu chuyện tử tế, lay động lòng người về tình thầy trò, góp phần giúp xã hội tốt đẹp hơn. Một chương trình đúng nghĩa cho “Ngày thầy trò” – ông Hùng khẳng định.
Cầu truyền hình “Ngày thầy trò” sẽ được phát sóng đồng thời trên 20 kênh truyền hình, trong đó có 7 kênh truyền hình của Mobi TV và các kênh truyền hình lớn trên toàn quốc./.
Xúc động về những nhà giáo hết lòng vì học sinh khuyết tật
Tuyên dương 252 nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm 2015-2016