Hiện nay, các bộ sách giáo khoa, đặc biệt là của học sinh tiểu học đều có những phần bài tập được biên soạn để trẻ có thể thực hành luôn vào phần bài tập đó sau khi được học phần kiến thức trong bài học.

Tuy nhiên, sau một số ý kiến cho rằng, việc viết vào sách như thế là lãng phí thì mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra chỉ thị yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên nhắc nhở học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa, không viết, vẽ vào sách giáo khoa. Chỉ đạo này ngay lập tức tạo nên làn sóng hoang mang, lo ngại trong xã hội, bởi việc Bộ ra chỉ thị như vậy liệu có phù hợp.

sgk1_kxit.jpg
Sách Toán lớp 1 thiết kế nhiều bài tập, yêu cầu học sinh điền trực tiếp. Nay Bộ lại ra văn bản cấm, liệu có hợp lý?

Bộ sách giáo khoa phổ thông hiện nay bao gồm sách giáo khoa và sách bài tập đều xây dựng hệ thống các bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)...

Ở các sách bài tập, giáo viên thường hướng dẫn học sinh viết trực tiếp câu trả lời vào sách, còn đối với sách giáo khoa, nếu các giáo viên không hướng dẫn và nhắc nhở thường xuyên thì nhiều học sinh cũng viết trực tiếp câu trả lời vào sách, gây lãng phí như dư luận đã phản ánh thời gian qua.

Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mới đây cũng thừa nhận, hiện nay việc sử dụng sách giáo khoa đang có sự lãng phí lớn, khi chỉ có khoảng 35% sách giáo khoa được dùng lại.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không viết, vẽ vào sách giáo khoa. Thế nhưng, ngay sau khi ban hành, chỉ đạo này đã gây ra phản ứng hai chiều trong đội ngũ các thầy giáo, cô giáo.

Một số giáo viên thì đồng tình vì cho rằng, cấm viết, vẽ vào sách giáo khoa để đỡ lãng phí và rèn học sinh cách trình bày khoa học hơn.

SGK lớp 3, học sinh cũng có phần được viết, điền từ vào ô trống.

“Nếu như các con viết vào sách giáo khoa, kể cả các con viết bằng bút chì, khi các con tẩy đi thì dấu hằn vẫn còn. Thứ nhất là sách bẩn, thứ 2 là kết quả vẫn hằn lại thì những bạn sau mà nhận quyển sách đó sẽ tô lại kết quả đó, thứ 3 nữa là giáo viên chúng tôi rất khó khăn khi chấm nhận xét bài của học sinh, không dám nhận xét vào sách giáo khoa. Khi có một mẫu sẵn như thế, khi các con trình bày bài sẽ không khoa học, cứ phải có mẫu sẵn mới làm, còn để trình bày ra vở thì rất là lúng túng”, cô giáo Nguyễn Thị Thu, Trường Tiểu học Cổ Nhuế 2 B (Hà Nội) nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến thì lại cho rằng, để tiếp thu bài học, học sinh có thể viết, vẽ vào sách giáo khoa hay không là cách học của từng em. Việc làm bài tập trong sách giáo khoa, hay trình bày lại bài tập trong vở ô ly có lẽ không phải vấn đề lớn đối với giáo viên và học sinh lớp lớn.

Tuy nhiên, đối với khối học sinh nhỏ như lớp 1, những trẻ còn chưa biết hết mặt chữ thì việc trình bày lại bài tập ra vở ô ly là điều không đơn giản, mất rất nhiều thời gian.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã có kinh nghiệm dạy lớp 1 nhiều năm nay tại Hà Nội cho biết, với học sinh lớp 1, nếu yêu cầu các em làm bài tập ra vở ô ly thì sẽ không thể kết thúc bài học theo đúng lịch trình.

Trong khi đó, cuốn sách có phần bài tập và khoảng trống để học sinh làm bài tập nhưng giáo viên lại không được hướng dẫn học sinh làm bài tập vào chỗ đã để trống thì cũng rất lãng phí.

“Trong sách giáo khoa môn Toán, các con học ở phần trên là phần kiến thức chung, phần dưới là người ta đã bố cục là có những phần bài tập 1, 2, 3, 4 thì cô thường cho các con lấy sách ra và làm bài tập theo đúng thứ tự, điền số vào ô trống, hoặc điền số theo thứ tự vào trong nội dung của bài tập đó. Sau khi làm như vậy, tôi thấy là các con hiểu bài rất nhanh và giáo viên trong một tiết có thể cung cấp được cho con nhiều dạng bài tập phù hợp với các con trong nội dung kiến thức đó”, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết nói.

Không chỉ các giáo viên mà nhiều phụ huynh cũng hoang mang. Bởi lẽ, nếu thực hiện theo chỉ đạo này của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mặc dù học sinh và phụ huynh bỏ tiền ra mua sách giáo khoa nhưng lại không được viết, vẽ vào cuốn sách của mình.

Nếu sách giáo khoa do học sinh đi mượn (từ thư viện của trường hay của người khác) thì tất nhiên các em sẽ ý thức được việc không được viết, vẽ vào sách. Bởi khi đó sách giáo khoa không phải là tài sản, vật sở hữu của các em nên trong quá trình sử dụng phải có nghĩa vụ bảo quản, không để mất mát, hư hỏng, rách, bẩn.

“Không nên in những phần để các con điền vào sách giáo khoa, còn nếu đã in như thế rồi thì không nên cấm. Tại vì sách giáo khoa thì phụ huynh mất tiền mua, về viết hay không viết đó là quyền của học sinh, quyền của phụ huynh, nghĩa là quyền của người dùng chứ còn không được cấm, vì đấy là quyền lợi của mọi người. Còn nếu về vấn đề tiết kiệm thì phải in như ngày xưa nghĩa là không được ghi vào đấy”, chị Nguyễn Thị Loan, có con học lớp 2 Trường Tiểu học Đồng Tâm (Hà Nội) nói.

Dù Chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cho là nhằm mục đích giảm lãng phí, giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm trong sử dụng sách giáo khoa, nhưng dư luận xã hội cũng đặt câu hỏi: liệu việc cấm học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa có phù hợp với thực tế hay không?; Viết hay không viết vào sách giáo khoa thì việc giảng dạy mới đạt hiệu quả nhất?

Nhiều giáo viên cũng lo lắng, nếu trong một lớp có vài học sinh viết vào sách giáo khoa thì giáo viên sẽ bị xử lý như thế nào? Những trường hợp học sinh không viết vào sách giáo khoa nhưng bảo quản không tốt, sách bị bẩn, bị rách trang... thì giáo viên có bị xử lý hay không?

Những hoang mang, lo lắng của giáo viên và phụ huynh cho thấy những bất ổn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong điều hành và quản lý sách giáo khoa, một trong những tài liệu dạy học mang tính phổ biến nhất hiện nay./.