Sau khi video clip nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn đánh hội đồng được đưa lên mạng Internet, ngành Giáo dục đã lên tiếng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra vụ việc. Đặc biệt, dư luận xã hội đã hết sức bàng hoàng, thậm chí là hoài nghi vì vụ việc không được giáo viên hay nhà trường biết được cho đến tận 2 tháng sau khi video clip được đưa lên mạng Internet thì nhà trường mới vào cuộc xem xét, xử lý.

Vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng tại trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức học đường và những người trong cuộc hay ngoài cuộc cần phải có trách nhiệm về tình trạng này. Dưới đây là tổng hợp ý kiến của độc giả VOV.VN.

nu_sinh_bi_danh_111_tyow.jpgNữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị bạn cùng lớp đánh (ảnh cắt từ clip)

Có biện pháp xử lý nhà trường để làm gương 

Độc giả tên Hiền lo ngại: “Nếu như video clip này không được tung lên mạng Internet thì sao, liệu còn bao nhiêu clip như vậy nữa chưa tung lên? Tôi không tin là lãnh đạo nhà trường không hay biết sau khi có clip này".

Bạn Hiền nêu ra trường hợp, người đứng đầu ở một trường học ở Hàn Quốc cũng đã có trách nhiệm trước vụ chìm phà làm hàng trăm học sinh chết. Không so sánh với Hàn Quốc nhưng vụ việc trên cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường.

Đồng ý với ý kiến trên, độc giả Hoàng Yến nêu quan điểm, vụ việc không thể bỏ qua trách nhiệm của giáo viên và hiệu trưởng nhà trường. Hình thức xử lý như thế nào thì ngành Giáo dục và chính quyền địa phương cần đưa ra những phương hướng cụ thể để không xảy ra tình trạng tương tự như vậy. Nếu bỏ qua trách nhiệm thì sẽ còn những vụ việc tương tự mà không giải quyết được hết những bất cập của tình trạng gia tăng bạo lực học đường hiện nay.

Độc giả Nguyễn Thu Hằng nêu ý kiến, hiện nay, nhiều trường học còn mải chạy theo bệnh thành tích trong giáo dục mà quên đi rằng, cần phải chăm lo tới việc rèn luyện nhân cách, đạo đức, lối sống của học trò. Để xảy ra vụ việc 7 học sinh đánh 1 bạn mà nhà trường không hề biết gì thì thật là vô lý. Trách nhiệm của nhà trường đối với vụ việc này cần phải được làm rõ và các cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những người liên quan, có trách nhiệm trong vụ việc này.

Tuy nhiên, một độc giả tên Tuân cho rằng, để xảy ra chuyện mà hai tháng sau tất cả mới ngỡ ngàng biết thông qua một clip trên mạng thì thật là buồn cho việc nắm bắt tình hình của giáo viên chủ nhiệm cũng như của Ban Giám hiệu nhà trường. Cũng phải nói là trong năm học “Đổi mới căn bản và toàn diện  giáo dục”, thầy cô giáo ngoài việc dạy ở trên lớp thì phải làm rất nhiều hồ sơ, sổ sách. Họ phải tham gia rất nhiều cuộc thi của cả thầy và trò nên không còn nhiều thời gian để quan tâm gần gũi các em học sinh. Nếu các thầy cô giáo gần gũi với học trò thì chắc chắn rằng các thầy cô sẽ biết và giải quyết đước sự việc nhanh chóng hơn.

Độc giả Nguyễn Đức Trí Dũng cho rằng, sự việc xảy ra trước tiên do sự giáo dục của gia đình 7 học sinh trên, sau đó đến nhà trường rồi đến xã hội. Những học sinh đánh bạn không được giáo dục tử tế từ cái nôi gia đình nên mới có những hành động như thế. Nhà trường thì thiếu quan tâm, chỉ lo dạy chữ, không lo dạy người.

Gia đình, nhà trường và xã hội cần có trách nhiệm hơn với con trẻ

Trước việc yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của nhà trường, giáo viên của trường THCS Lý Tự Trọng, tỉnh Trà Vinh, nhiều độc giả cho rằng, cần đưa ra những giải pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

Độc giả Nguyễn Côngđưa ra quan điểm,không nên đình chỉ các em học sinh đã vi phạm mà phải đưa ra hình thức phạt để cho các em thấy được điều mình đang làm là sai trái, phải chịu trách nhiệm trước nạn nhân và bản thân của mình. Nhà trường là môi trường giáo dục, phải hướng các em vào khuôn khổ, nề nếp có vậy mới thể hiện được vai trò của nhà trường, xã hội. Nếu chúng ta "thả rơi" thì ai sẽ là người dẫn dắt các em thoát khỏi "lầm đường lạc lối".

Độc giả Năm An Nhứt bảy tỏ: Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội mà muốn ngăn chặn nó phải xuất phát từ phía nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội cùng giải quyết. Nếu nhà trường chỉ biết đuổi học là biện pháp tình thế vì chẳng còn cách nào khác, việc này vô tình đẩy các em vào những hành vi tiêu cực khác trầm trọng hơn. Hiện nay, nhiều gia đình chỉ mải lo kiếm tiền đầy đủ cho các em ăn học mà thiếu sự quan tâm chăm sóc về mặt tinh thần cho con em, thiếu sự giáo dục nhân cách cho con thì sẽ dẫn đến con bị hư hỏng lúc nào không biết. Vì vậy, việc rèn luyện nhân cách, đạo đức học đường phải xuất phát từ nhiều phía.

Độc giả Nguyễn Kim Xuyên đóng góp ý kiến, học sinh chỉ học ở trường 5 đến 6 giờ, còn lại là ở nhà và chịu sự quản lý của gia đình. Vì vậy, các bậc phụ huynh không thể đổ hết trách nhiệm giáo dục con em cho nhà trường mà phải có sự phối hợp với các thầy cô giáo, nhà trường để rèn luyện lối sống, đạo đức cho con em tốt hơn.

Nên đưa Giáo dục công dân là môn học chính khóa

Để trường học thực sự thân thiện, là cái nôi hình thành và rèn luyện nhân cách con người, trước tiên, ngành Giáo dục cần làm ngay một việc là đưa môn Giáo dục công dân là môn học chính khóa và tăng thời lượng giảng dạy môn học này lên nhiều hơn nữa. Đó là ý kiến của độc giả Mai Hương.

Theo độc giả, không thể coi nhẹ môn học vì nếu không rèn luyện con người có nhân cách, đạo đức tốt thì sẽ không có những người có tài đức và có ích cho xã hội.

Đồng ý với quan điểm trên, độc giả Thu Quỳnh cho rằng, song song với việc coi môn Giáo dục công dân là môn chính khóa thì cũng cần đổi mới phương pháp môn học này sao cho học sinh cảm thấy hứng thú, được trải nghiệm kiến thức trong thực tế hơn. Điều quan trọng là giáo viên phải làm cho học sinh thấy được bạo lực học đường là vô cùng nguy hiểm và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường./.