Vụ việc nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn đánh hội đồng đang khiến dư luận xã hội hết sức quan ngại. Điều khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí hoài nghi là vụ việc không được giáo viên hay nhà trường biết được cho đến tận 2 tháng sau khi clip bị đưa lên mạng Internet thì nhà trường mới vào cuộc xem xét, xử lý.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc học sinh đánh nhau và đưa clip lên mạng. Mặc dù ngành Giáo dục đã đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng bạo lực học đường nhưng dường như chưa có tác dụng và đạt hiệu quả. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội về vấn đề này.

nu_sinh_bi_danh_hoi_dong_wqes.jpgNữ sinh  lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn đánh hội đồng - Ảnh cắt từ clip

Chưa giải quyết dứt điểm tình trạng bạo lực học đường

PV:Một nữ sinh lớp 7/5,trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn đánh hội đồng đang khiến dư luận hết sức bức xúc. Ông nhìn nhận như thế nào về vụ việc này?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Đây không phải là lần đầu tiên học sinh đánh nhau và đưa clip lên mạng Internet. Tuy nhiên, vụ việc một lần nữa lại khiến dư luận xã hội hết sức bàng hoàng và bức xúc vì các cơ quan năng, nhà trường, gia đình và xã hội chưa thể giải quyết được dứt điểm được tình trạng bạo lực học đường. Điều đáng quan tâm trong vụ việc này là trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đã không nắm được vụ việc để đến tận 2 tháng sau, khi video clip được đưa lên mạng Internet thì nhà trường mới biết.

Vụ việc đã bộc lộ sự yếu kém về mặt tổ chức, phân bổ chức vụ ở trong lớp. Cụ thể ở đây là giáo viên phân công chức vụ lớp trưởng cho một học sinh có tính cách cá biệt, chưa gương mẫu trong rèn luyện lối sống, đạo đức để lảm lớp trưởng. Lớp trưởng này đã có hành vi bắt nạt, kêu gọi học sinh khác cùng đánh bạn. Hành động này là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Nhà trường nên tạo cơ hội cho học sinh sửa chữa sai lầm

PV:Nhiều ý kiến cho rằng, những học sinh đánh bạn có thể bị buộc thôi học và chịu sự quản lý của địa phương. Ý kiến của ông về biện pháp xử lý này như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Trong những năm gần đây, nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra và chưa chấm dứt là do chúng ta chưa có chế tài xử lý mạnh mẽ để học sinh phải “sợ” không dám diễn ra tình trạng này nữa.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm

Riêng trong vụ việc nữ sinh lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị 7 bạn đánh hội đồng, nếu dùng biện pháp đình học tập thì chẳng giải quyết tận gốc được sự việc.

Vì nếu đình chỉ học tập của những học sinh đánh bạn một vài tháng hay 1 năm thì liệu gia đình và chính quyền địa phương có thể quản lý tốt các em khi ở nhà không hay lại vô tình khiến học sinh đó có cơ hội dễ dàng tiếp xúc với những cái xấu trong xã hội.

Đặc biệt, trong số những em đánh bạn có hoàn cảnh gia đình không được trọn vẹn như: bố mẹ bỏ nhau, ly thân…

Theo tôi, vụ việc trên nên được xử lý bằng hình thức cách chức học sinh lớp trưởng. Những học sinh tham gia đánh bạn thì có thể bị kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường. Giáo viên, nhà trường, gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, giáo dục học sinh sau vụ việc này.

Trường THCS Lý Tự Trọng cũng nên tạo cơ hội để học sinh sửa chữa sai lầm, hướng tới phục thiện nhân cách hơn là dùng hình thức đình chỉ học tập của các em. Nếu những học sinh đánh bạn không có ý chí phấn đấu, tiếp tục có hành vi hung hăng, côn đồ thì nhà trường có thể yêu cầu cơ quan công an can thiệp, xử lý.

Qua vụ việc này, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng cần có biện pháp giáo dục lối sống, đạo đức cho học sinh một cách hiệu quả hơn nhằm để các em phải chịu trách nhiệm trước những hành vi, hành động của mình.

Sự phối hợp giáo dục con em vẫn chỉ dừng lại ở lời kêu gọi

PV: Là người nghiên cứu về tâm lý học trò trong nhiều năm nay, ông có thể phân tích rõ hơn về tình trạng bạo lực học đường diễn ra trong những năm gần đây như thế nào? Theo ông, chúng ta phải bắt đầu đi tìm lời giải cho vấn đề này từ đâu?

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: Nguyên nhân khiến cho tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra là do giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh từ phía nhà trường và gia đình chưa hiệu quả. Sự phối hợp trong giáo dục con em vẫn đang chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, chứ chưa có sự hướng dẫn, biện pháp xử lý hữu hiệu chặt chẽ. Nhiều phụ huynh vẫn còn mải chạy theo kiếm kế mưu sinh, làm giàu nên không có hoặc không giành thời gian quan tâm đến con mà phó mặc việc giáo dục đạo đức, lối sống cho nhà trường.

Nhiều học sinh có những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt như: buôn bán, đi làm thuê xa hoặc bố mẹ đã ly dị, ly thân…chưa quan tâm, chú trọng đến giáo dục con.

Ở trường học, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh chưa hiệu quả. Những giá trị đạo đức như: tình yêu thương, lòng khoan dung, tự trọng, nhẫn nhịn hay kỹ năng ứng xử, giao tiếp, giải quyết vụ việc chưa được nhà trường tập trung giảng dạy, hướng dẫn cho học sinh.

Ở các trường đại học, cao đẳng Sư phạm chưa huấn luyện cho những giáo viên tương lai cách tiếp cận, tìm hiểu kỹ về tâm sinh lý học sinh. Phương pháp giáo dục còn lạc hậu, chưa được tập huấn kỹ lưỡng, bài bản theo kịp với phương pháp giáo dục hiện đại, hiệu quả, thiết thực nhất.

Giáo viên chưa có cách thức giảng dạy để học sinh hiểu được bạo lực học đường là nguy hiểm để né tránh. Những giáo viên dạy môn Giáo dục công dân chưa đặt ra các huống cụ thể xảy ra trong cuộc sống để học sinh cùng nhau trao đổi, tranh luận và đưa ra phương hướng xử lý.

Trong giáo dục lối sống, nhân cách, hiện nay, giáo viên chỉ giảng dạy theo hướng 1 chiều là giảng dạy lý thuyết chứ chưa có cách thức giảng dạy sinh động theo phương hướng trải nghiệm để học sinh hiểu rõ về lòng khoan dung, vị tha và tình yêu thương con người…

PV:Xin cảm ơn ông!./.