Dạy học cho trẻ em bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật còn khó gấp nhiều lần. Với thầy Tính, sự tiến bộ từng ngày của các trò nhỏ đã mang tới cho thầy niềm vui và hạnh phúc.
Lớp học của thầy Tính có nhiều học sinh mắc các chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. |
Thầy: Con học trường gì?Học sinh: Trường Chuyên biệt tương laiThầy: Con có thích học ở trường này không?Học sinh: Dạ cóThầy: Vì sao con lại thích học trường này?Học sinh: Vì có bạnThầy: Con học lớp thầy gì?Học sinh: Học thầy Tính
Đó là cuộc trò chuyện giữa thầy Phan Văn Tính và em Lê Đức Cường trường Chuyên biệt tương lai, thành phố Đà Nẵng. Cường đã 12 tuổi nhưng hành động và suy nghĩ của em ngây ngô như trẻ lên 5. Hai năm trước Cường được gửi đến trường Chuyên biệt tương lai và chưa biết nói. Sau thời gian được thầy Tính dìu dắt giờ Cường đã nhận biết được một số đồ vật xung quanh và nói những từ đơn giản.
Thầy Phan Văn Tính, 35 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Từng học chuyên ngành kinh tế, nhưng thầy Tính lại chuyển sang học chuyên ngành giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật. Năm 2007, thầy Phan Văn Tính thi đỗ và học ở trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang.
Thầy Tính kể, khi dạy các trẻ khiếm thị mình phải biết dùng chữ Braille. Đây là loại chữ nổi dành cho người mù được viết ngược, đọc xuôi nên những người mắt sáng sẽ đánh máy rất chậm. Các học trò lại viết rất nhiều thư gửi thầy hỏi về những kiến thức môi trường xung quanh, hình dạng những đồ vật hàng ngày. Thầy Tính phải thức cả đêm dịch, sáng hôm sau mới có thể trao đổi lại với học trò của mình.
Thầy Tính bảo, dạy các em vất vả nhưng vui và hạnh phúc: "Nói về động lực trong công việc thì tôi cũng không biết được. Tôi chỉ muốn miệt mài nghiên cứu ra mọi phương pháp dạy cho trẻ khuyết tật và khi nghiên cứu được thành công thì cảm thấy thích. Thứ 2 nữa là mỗi khi mệt mỏi, tôi lên trường gặp học sinh có những hành động ngây ngô, dễ thương thì tôi lại thấy mình vui, lúc đó là mình lại hết mệt ngay".
Thầy Tính luôn tận tâm, thương yêu học trò khuyết tật. |
Năm 2009, thầy Tính về giảng dạy ở trường Chuyên biệt tương lai, thành phố Đà Nẵng. Thầy Tính tâm sự: dạy học sinh bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật còn khó gấp nhiều lần. Để làm được việc này, giáo viên cần phải kiên trì, yêu thương các em. Năm học này, lớp học của thầy Tính có 12 học sinh từ 7 đến 17 tuổi, mắc các chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ.
Những trẻ bị khuyết tật thường dễ nổi giận, đập phá đồ đạc. Những lúc như vậy, thầy ôm ấp, vỗ về giúp các em trở lại bình thường. Thầy Tính luôn được các đồng nghiệp tôn trọng và yêu mến.
Cô giáo Trần Thị Minh Yến, giáo viên trường Chuyên biệt tương lai Đà Nẵng cho biết: "Đối với tôi, thầy Phan Văn Tính là một đồng nghiệp rất chăm chỉ và rất tâm huyết với tất cả các em. Thầy có một tình thương vô bờ bến đối với học sinh. Thầy có tầm nhìn rất tốt. Tôi nghĩ rằng thầy Tính là một người thầy tâm huyết với tất cả các em học sinh trong trường khuyết tật này".
Thầy Nguyễn Duy Tuyên, Phó hiệu trưởng trường Chuyên biệt tương lai, thành phố Đà Nẵng cho biết, thầy Tính luôn tận tâm, thương yêu học trò; chịu khó tìm kiếm những phương pháp dạy phù hợp nhất giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng. Thầy Nguyễn Duy Tuyên khẳng định, nhiều năm liền, thầy Tính là giáo viên giỏi cấp trường, cấp thành phố.
"Bắt đầu từ năm 2010, nhà trường chúng tôi xây dựng khung chương trình cho học sinh khuyết tật trí tuệ. Thầy Tính hồi đó là giáo viên trẻ, có kỹ năng sử dụng máy tính do đó giúp anh em chúng tôi rất nhiều. Chính thầy Tính là một người tiên phong trong xây dựng khung chương trình này. Đối với thầy Tính, ngoài chuyên môn ra thì thầy là người rất yêu thương học trò", thầy Tuyên cho biết.
10 năm tận tụy giúp những đứa trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, Thầy Tính nói rằng, sự tiến bộ qua từng ngày của các trò nhỏ đã mang tới cho thầy niềm vui và hạnh phúc./.