Những ngày gần đây, trên các diễn đàn dành cho phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ xuất hiện thông tin phản ánh việc dạy học tại một trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở tầng 3 khu KTX trường Đại học TDTT Bắc Ninh (TX Từ Sơn, Bắc Ninh) mang tên Tâm Việt.

Hàng loạt phụ huynh chia sẻ trung tâm quảng cáo với những lời hết sức hấp dẫn: "Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia"; "Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì"… nhưng sự thật các giáo viên lại lớn tiếng quát mắng học trò, dọa nạt học trò. Tại phòng tập ném bóng, khi một học sinh nữ là trẻ tự kỷ không chịu tập, một giáo viên còn ném bóng và chỉ tay vào mặt em và hét lên: “Đùa với bố mày đấy à? Trong túi xách bao giờ cũng có dao đấy nhé”.

Trước những thông tin này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết sau khi xem Clip, Cục đang khẩn trương xác minh những thông tin ban đầu. Sau đó, Cục sẽ đề nghị Sở LĐ-TB-XH Bắc Ninh tổ chức tiến hành thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

dang_hoa_nam_gnia.jpg
Ông Đặng Hoa Nam Cục Trưởng Cục Trẻ em cho biết đang xác minh làm rõ thông tin, nếu phát hiện vi phạm Luật Trẻ em sẽ xử lý nghiêm.

Được biết, quy trình xử lý còn được liên ngành công an, LĐ-TB-XH và y tế vào cuộc xác minh, kết luận trên cơ sở chuyên môn để làm rõ các hành vi bạo lực và xâm hại có đúng đã diễn không. Nếu đúng sẽ xử lý, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ em.

Ông Nam nhấn mạnh: “Trường hợp có dấu hiệu xâm hại, bạo lực rõ ràng và nghiêm trọng, Cục sẽ đề nghị đóng cửa hoạt động của trung tâm”.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục trẻ em cũng lo lắng trước tình trạng thiếu các tiêu chí đánh giá mức độ tật nhẹ cũng như quy chuẩn về cơ sở chăm sóc trẻ bị khuyết tật dạng nhẹ. Ở mức độ khuyết tật nặng về trí tuệ và tâm thần, hiện đã có những tiêu chuẩn để đánh giá rõ ràng. Nhưng ở mức độ nhẹ, đơn cử như rối loạn, trầm cảm, tăng động hoặc sang chấn tâm lý thì vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn đánh giá mức độ bệnh cũng như tiêu chuẩn của các cơ sở chăm sóc trẻ ở mức độ này. Đây là những vấn đề nhức nhối mà lãnh đạo Uỷ Ban Quốc gia về trẻ em đã từng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu sâu hơn.

Cũng chính từ thực tế này, chỉ khi những vi phạm trở nên nghiêm trọng, gây bạo lực hoặc xâm hại trẻ thì mới có căn cứ cụ thể để can thiệp và xử lý. Không chỉ thiếu quy chuẩn đánh giá dạng khuyết tật, ông Đặng Hoa Nam cũng không khỏi lo ngại về việc áp dụng những chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em khuyết tật trí tuệ và tâm thần dạng nhẹ còn chưa đầy đủ. Đặc biệt là những trường hợp rối loạn về sang chấn tâm lý, bị xâm hại trong môi trường sống hoặc bẩm sinh.

“Với sự việc xảy ra ở Bắc Ninh, quan điểm của Cục Trẻ em là giải quyết triệt để nhằm bảo vệ trẻ em. Nhưng qua đó, chúng tôi cũng muốn sớm có các quy định cụ thể hơn về việc xác định những vi phạm về quy trình, tiêu chuẩn của việc chăm sóc trẻ khuyết tật dạng nhẹ. Vì đây là lĩnh vực đang có nhu cầu lớn trong thực tế và rất cần những quy định cụ thể”, ông Đặng Hoa Nam nói./.