Mặc dù năm học nào ngành giáo dục – đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cũng xây thêm trường lớp mới, nhưng đến nay, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tại nhiều quận, huyện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Dân số cơ học tăng nhanh, tình trạng nhập cư ồ ạt đang khiến hệ thống trường học tại không ít địa phương vốn đã quá tải khi dạy học 1 buổi, giờ phải oằn mình tìm cách giải quyết bài toán mang tên “bán trú”.

Năm học 2015-2016, thành phố Hồ Chí Minh có 430 trong tổng số 515 trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với hơn 400.000 học sinh theo học, đạt tỷ lệ 69%. So với năm học trước, tỷ lệ học bán trú trung bình của thành phố đã bị kéo giảm. Bên cạnh đó, áp lực dân số cũng khiến sĩ số các lớp bán trú đang dần tăng, nhiều nơi trên 40 học sinh/lớp.

ban_tru_wshr.jpg
(Ảnh minh họa)

Tại các vùng ven như quận 12, quận Tân Phú, quận Bình Tân... tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đạt 50%. Những khó khăn trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày khiến ngành giáo dục – đào tạo thành phố vướng phải nhiều rào cản trong việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong quy hoạch theo Quyết định 02 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2020, 100% các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông được học 2 buổi/ngày. Trong đó, hạn mức hoàn thành mục tiêu này đối với bậc tiểu học là năm 2015. Thế nhưng hiện nay, mức tăng dân số đã vượt quá khả năng kiểm soát việc xây dựng trường học trong thành phố, đặc biệt là ở các quận vùng ven”.

Là địa phương có tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thấp nhất thành phố với khoảng 24%, áp lực mà ngành giáo dục – đào tạo quận Tân Phú đang gánh là không hề nhỏ. Cả quận có 16 trường tiểu học, nhưng chỉ 2 trường đạt chuẩn quốc gia có 100% học sinh học bán trú với sĩ số theo chuẩn. Những trường còn lại đa phần dạy 1 buổi, hoặc nếu dạy 2 buổi thì sĩ số cũng rất cao.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo quận Tân Phú, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là mức độ tăng dân số trên địa bàn quá nhanh, trong khi điều kiện cơ sở vật chất không đủ đáp ứng.

Cùng chung cảnh ngộ khi phải giải quyết chỗ học cho lượng lớn con em dân nhập cư trên địa bàn, nhiều năm nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày tại quận Gò Vấp chỉ đạt khoảng 50%. Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo quận Gò Vấp cho hay, ngoài áp lực dân số, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, việc không có các văn bản quy chuẩn trong lĩnh vực này cũng đang làm khó ngành giáo dục.

Để gỡ khó cho mình, vài năm trở lại đây, nhiều quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh việc xã hội hóa mô hình “nhóm bán trú vệ tinh”. Mô hình này đã góp phần giảm bớt áp lực tổ chức dạy bán trú cho hệ thống trường công lập khi giải quyết được một lượng đáng kể nhu cầu gửi con của phụ huynh. Thế nhưng, vấn đề hiện nay là thành phố đang bỏ ngỏ cơ chế pháp lý trong việc quản lý lĩnh vực này khiến địa phương mỗi nơi làm mỗi kiểu.

Vì thế, không chỉ Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố mà phòng giáo dục – đào tạo các quận, huyện cũng kiến nghị thành phố sớm đưa ra những quy định về quản lý hoạt động bán trú vệ tinh, trong đó phân bổ công việc cụ thể cho từng sở, ngành liên quan. 

Muốn nâng cao tỷ lệ cũng như chất lượng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trên toàn thành phố, đợi cơ chế thôi chưa đủ, thời gian tới, ngành giáo dục – đào tạo từ cấp thành phố đến quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động hơn trong việc triển khai mô hình này, trong đó tập trung khai thác sức mạnh xã hội hóa giáo dục./.