Năm học 2014- 2015, huyện miền núi Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập 5 trường Phổ thông Dân tộc bán trú, tạo điều kiện cho học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số có nơi ăn ở, học tập. Tuy nhiên, một số điểm trường mới đi vào hoạt động nhưng lại không có nơi ăn nghỉ cho học sinh, gây khó khăn cho việc giảng dạy và quản lý học sinh.

Năm học 2014- 2015, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi được xây dựng hợp nhất thành Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trà Xinh. Trường có gần 500 học sinh, trong đó 180 em được xét duyệt bán trú tại trường. Gọi là trường bán trú, nhưng học sinh phải ở tạm trong 3 căn phòng của giáo viên, vì sau vài tháng đưa vào sử dụng, tất cả các phòng ở đều bị hư hỏng, dột nát nên nhà trường không thể tiếp tục cho các em ở bán trú. 

Em Hồ Thị Gấm, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, lo lắng: “Chúng em vào ở thời gian đã thấy phòng hư hết. Chúng em rất mong nhà nước xây dựng nơi mới để an tâm học tập”.

Trước tình trạng không có nhà ở bán trú, phòng ở của giáo viên không đủ cho tất cả 180 học sinh diện bán trú, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Trà Xinh phải xin cho các em vào ở tạm trong nhà dân gần trường.

Điều lo lắng của Ban Giám hiệu nhà trường là việc ăn ở, sinh hoạt các em phải tự lo và ở bên ngoài khuôn viên nhà trường nên khó quản lý. Tình trạng học sinh bỏ học, học "giã gạo" (đi học không đều) thường xuyên xảy ra đã gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của trường.

Thầy Nguyễn Quang Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Ở xã Trà Xinh các nhà dân ở cách xa trường. Các em rất ham học. Tôi hỏi các em là có thích đi học không? Các em trả lời là rất thích nhưng cứ đi học 1 buổi lại nghỉ 1 buổi”.

 Chính quyền và ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm đầu tư, chăm lo cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có chỗ ăn ở ổn định, yên tâm học tập./.