Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Khoa học tự nhiên là môn học mới, được phát triển từ môn Khoa học ở các lớp 4, 5. Khoa học tự nhiên là môn học bắt buộc ở các lớp 6, 7, 8 và 9. Ở cấp THPT, Khoa học tự nhiên được tách ra thành ba môn học riêng rẽ là Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố dự thảo chương trình của các môn học, hoạt động giáo dục từ cấp Tiểu học đến THPT diễn ra chiều 19/1, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên cho biết, theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội, việc xây dựng môn Khoa học tự nhiên là chuyển từ việc dạy học tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, trong đó tích hợp sâu các môn học ở lớp dưới và phân hóa dần ở lớp trên.

o_mai_sy_tua_vov_ktnu.jpg
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên 

Khi chuyển đổi hình thức dạy học từ nội dung sang tiếp cận năng lực, ở nhiều nước trên thế giới đã nhấn mạnh đến việc dạy học tích hợp. Khi chuyển sang tiếp cận năng lực, chúng ta phải đặt câu hỏi là học sinh sẽ làm được gì chứ không phải là các em sẽ làm được gì?

Nếu việc giảng dạy theo từng lĩnh vực, môn học riêng rẽ thì khi giải quyết một vấn đề thực tiễn, học sinh sẽ không giải quyết trọn vẹn được một vấn đề. Vì thế, việc tích hợp các môn học sẽ giúp học sinh giải quyết được một vấn đề trong thực tiễn thuận lợi, hiệu quả hơn.

Môn Khoa học tự nhiên là một môn học chứ không phải là cộng một cách cơ học các môn lại. Học sinh chuyển từ cấp Tiểu học sang THCS thì khi học môn Khoa học tự nhiên, mạch kiến thức sẽ được tiếp nối nên sẽ không gặp khó khăn gì.

Môn Khoa học tự nhiên sẽ được giảng dạy tích hợp (Ảnh minh họa: GD & TĐ)

Tuy nhiên, theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, việc dạy học tích hợp đối với môn Khoa học tự nhiên sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Về sự thuận lợi, hiện nay, số nước trên thế giới giảng dạy môn Khoa học tự nhiên theo dạng tích hợp chiếm số đông nên Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của họ rất nhiều.

Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến việc tích hợp các môn học mà từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ việc tuyên truyền, tập huấn cho giáo viên về phương pháp dạy học tích hợp, xây dựng chủ đề tích hợp...

Về khó khăn, giáo viên đang quen với việc dạy các môn học riêng rẽ nên bây giờ sẽ dạy môn học có kiến thức rộng, tổng hợp hơn thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Ngoài ra, cơ sở vật chất ở các trường học của Việt Nam còn ở mức độ giới hạn. Các phòng thí nghiệm được bố trí riêng rẽ phù hợp cho từng môn học thì khi giảng dạy môn học tích hợp, nhà trường cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc bố trí giáo viên giảng dạy, sắp xếp cơ sở vật chất.

PGS. TS Mai Sỹ Tuấn cũng cho biết, với những khó khăn nhất định như trên, Bộ GD-ĐT chỉ xây dựng môn học Khoa học tự nhiên với mức độ tích hợp vừa phải, để các thầy giáo được đào tạo về từng môn học có thể dạy học tích hợp được. Tuy nhiên, xét về dạy tích hợp một cách lâu dài, giáo viên cần phải được tập huấn thêm.

Bộ GD-ĐT đang giao nhiệm vụ cho các trường ĐH sư phạm thực hiện tốt việc đào tạo, tập huấn cho giáo viên một cách thận trọng, cẩn thận.

Để giảng dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên, các trường học cần thực hiện dựa trên điều kiện sẵn có về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và tùy vào từng có điều kiện cụ thể sẽ phát triển các yếu tố này./.

Khoa học tự nhiên là môn học được xây dựng và phát triển trên nền tảng của Vật lý, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái Đất...

Khoa học tự nhiên là khoa học có sự kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết với thực nghiệm. Vì vậy, thực hành, thí nghiệm trong phòng thực hành, phòng học bộ môn, ngoài thực địa có vai trò và ý nghĩa quan trọng, là hình thức dạy học đặc trưng của môn học này.

Giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên cần được bồi dưỡng về phương pháp dạy học tích hợp, dạy học phân hoá; kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; bồi dưỡng kiến thức vật lý, hoá học, sinh học để vừa nắm vững các nguyên lý khoa học tự nhiên, các nguyên lý ứng dụng công nghệ, vừa hiểu sâu các khái niệm, quy luật tự nhiên,... Đó là những yêu cầu của giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở, đáp ứng định hướng của giai đoạn giáo dục cơ bản là trang bị cho học sinh tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.