Năm 2015 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp cho học sinh và lấy đó làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng thực hiện công tác tuyển sinh.
Tuy nhiên, năm đầu tiên tiến hành kỳ thi trên đã bộc lộ một số bất cập trong công tác tổ chức, xét tuyển khiến cho mục đích cao cả là giảm tốn kém, áp lực thi cử không thể thực hiện được.
Theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2016, cả nước sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia trên toàn quốc. Vì vậy, việc tổ chức thi, xét tuyển sẽ phải có những thay đổi đáng kể. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS.NGND) Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc |
Tốn hàng trăm tỷ đồng...
Trong kỳ thi này, cả nước có 38 cụm thi đại học, 61 cụm thi tại địa phương. Ngoài ra, nhiều trường đại học cũng tổ chức thi riêng, thi thêm môn năng khiếu hay các loại hình trắc nghiệm, kiểm tra chỉ số thông minh của học sinh… Như vậy, năm nay có rất nhiều đợt thi kéo dài.
Ngoài ra, kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã bộc lộ một số bất cập như: Bộ GD-ĐT “ôm đồm” độc quyền công bố thông tin điểm thi nhưng nhiều nơi mạng Internet chậm khiến thí sinh không thể xem được. Điều này phần nào gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho các em.
Mặt khác, việc xét tuyển đại học kéo dài tới 20 ngày và thí sinh có quyền thay đổi các ngành trong 4 nguyện vọng hoặc rút hồ sơ xét tuyển vào trường đã đăng ký khiến cho các trường đại học, cao đẳng lúng túng trong thực hiện xét tuyển.
Trong thời gian xét tuyển, thí sinh và người nhà phải ngồi trực nằm chờ, luôn trong tâm trạng phấp phỏng, lo âu chờ đợi bảng cập nhật danh sách thí sinh trong tốp an toàn, rồi họ lại cứ phải nhanh chóng thay đổi nguyện vọng bằng cách rút hồ sơ trường này để chuyển sang trường khác.
Để tổ chức thi, ngân sách Nhà nước bỏ ra để cho 38 cụm thi thực hiện các công việc lên đến 300 tỷ đồng là quá nhiều. Kinh phí này nên để các trường THPT và đại học, cao đẳng tự lo. Số tiền trên nên được dành để xây dựng trường học, chi trả lương cho giáo viên...
Qua kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, chúng ta nhận thấy, việc chỉ tổ chức thi nhằm giảm áp lực xã hội, kinh phí ngân sách Nhà nước đã “thất bại”.
Giao việc tổ chức thi cho các trường THPT, đại học, cao đẳng
Bộ nên giao cho các Sở GD-ĐT ở địa phương chỉ đạo các trường tự lo khâu tổ chức thi. Học sinh học ở trường nào thì sẽ đến trường đó thi, không phải đi đâu xa. Việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ do Sở GD-ĐT địa phương xác nhận.
Còn đối với các trường đại học, cao đẳng sẽ thực hiện việc tự chủ trong tổ chức thi, xét tuyển để chọn lọc thí sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo của mình. Học sinh muốn thi vào trường nào thì tự nộp đơn vào trường đó.
Riêng đề thi vào các trường đại học, cao đẳng thì Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự lo vì mỗi một trường có những đặc thù, cần tuyển sinh theo nhu cầu đào tạo khác nhau.
Chức năng của Bộ GD-ĐT chỉ là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo vì thế Bộ không nên ôm đồm, làm thay những công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của hơn 400 trường đại học, cao đằng.
Bộ GD-ĐT chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng thông qua năng lực đào tạo, cơ sở vật chất thực tế của trường đó. Luật Giáo dục Đại học đã quy định và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất rõ cho các trường đại học, cao đẳng. Vì thế, các trường có tổ chức thi, xét tuyển và thu hút được thí sinh hay không là hoàn toàn do năng lực của từng trường.
Để tránh tiêu cực, chúng ta cần phải giáo dục, nâng cao ý thức tự chịu trách nhiệm trong các công đoạn tổ chức thi của các trường, đơn vị. Nếu trường nào vi phạm thì cần có hình thức xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, chúng ta còn có thể phối hợp với các cơ quan quản lý pháp luật để xử lý nghiêm những đơn vị, trường học vi phạm trong công tác tổ chức thi, xét tuyển, đào tạo...