Trong giai đoạn học sinh lớp 1 chưa đọc được lời nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo nhận xét bằng lời trực tiếp với học sinh. Trong quá trình đánh giá thường xuyên nhận xét bằng lời hay ghi vào vở của học sinh, giáo viên nên có những hình thức động viên học sinh khi các em hoàn thành yêu cầu, chủ yếu là động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh, không được sử dụng các hình thức chê trách (như ký hiệu mặt buồn hay đánh giá C, D, ...) , so sánh học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào với bất kỳ động cơ nào…. , không tạo áp lực cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Không được sử dụng các hình thức chê trách như ký hiệu mặt buồn hay đánh giá C, D, ... |
Nếu bài làm hoặc hoạt động giáo dục học sinh thực hiện sai hoặc chưa hoàn chỉnh, giáo viên cần hướng dẫn học sinh thực hiện lại cho đúng và đầy đủ. Từ đó động viên, khích lệ các em nỗ lực phấn đấu tiếp tục trong học tập.
Đây là những nội dung trong Hướng dẫn tạm thời việc đánh giá không cho điểm đối với học sinh lớp 1, năm học 2013-2014 mà Sở GD-ĐT TP HCM gửi các đơn vị trực thuộc ngày 12/9.
Phó GĐ Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương cho biết, trong khi chờ Hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tạm thời việc đánh giá không cho điểm đối với học sinh lớp 1 năm học 2013-2014.
Mục đích của việc đánh giá giúp thầy cô giáo điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học/giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng để động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày và hướng dẫn, giúp đỡ học sinh cảm thấy tự tin và thích học, thích đi học.
Giúp học sinh biết tự đánh giá, rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh bài làm, hoạt động của mình, đồng thời bồi dưỡng hứng thú học tập và rèn luyện để học sinh ngày càng tiến bộ hơn. Góp phần làm giảm áp lực cho học sinh khi đến trường.
Cha mẹ học sinh tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh. Góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh về việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1.
Hiệu trưởng các trường kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, phương pháp dạy học/giáo dục, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao nhất.
Sở yêu cầu, đánh giá dựa trên nguyên tắc vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của các em; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan và toàn diện; dựa trên thái độ, hành vi, kết quả về kiến thức, kĩ năng và nhiệm vụ của học sinh; đánh giá sự tiến bộ của mỗi học sinh, không so sánh với học sinh khác, không chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào, không tạo áp lực cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Ngoài bài kiểm tra cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học, kể cả bài kiểm tra thường xuyên.
Giáo viên đánh giá dựa trên đặc điểm và mục tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài học, giáo viên thường xuyên quan sát, theo dõi từng học sinh trong quá trình học tập để có nhận định, động viên hoặc gợi ý, hỗ trợ kịp thời.
Đánh giá thường xuyên không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học và được đánh giá bằng nhận xét. Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét của giáo viên được tiến hành dưới các hình thức gồm: nhận xét miệng qua từng bài học, nhận xét qua bài viết (dưới 20 phút), quan sát học sinh qua hoạt động học tập, thực hành vận dụng kiến thức, kĩ năng./.