Bộ GD&ĐT vừa có văn bản quy định giáo viên tuyệt đối không cho điểm học sinh (HS) lớp 1 trong suốt quá trình học, trừ bài kiểm tra cuối năm. Thay vào đó, giáo viên chỉ đánh giá bằng nhận xét để động viên và ghi nhận sự tiến bộ của học sinh trong từng mặt. Nội dung này đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là các phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1.

Nhiều phụ huynh đồng tình

Ủng hộ quy định mới, chị Thúy Hà (Giải Phóng, HN) cho rằng: “Việc không chấm điểm lớp 1 sẽ giúp các cháu học sinh không có suy nghĩ bị so sánh, giúp các cháu thích đi học và thích học hơn. Thay chấm điểm bằng lời phê, nhận xét cũng là cách để giáo viên hiểu, yêu thương, động viên, khích lệ tinh thần và ghi nhận tiến bộ của các em trong từng bài học, qua từng lời phê”.

dsadagf.jpg
Trẻ vào lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ, không nên tạo áp lực điểm số cho trẻ (Ảnh minh họa)

Chị Hà chia sẻ, chị kịch liệt phản đối việc cho con học thêm trước khi vào lớp 1: “Ở trường mầm non, cô giáo dạy được gì thì dạy, lên lớp 1 sẽ học tiếp. Tôi muốn cho cháu phát triển bình thường, học trước làm mất đi thời gian vui chơi của cháu”. Thế nhưng, chị Hà cho biết ngay khi con vào lớp 1 cô giáo đã “chia” lớp: “Bạn nào biết đọc, biết viết rồi thì ngồi về một bên, bạn nào chưa thì ngồi về một bên”. Cách làm này vô tình tạo sự so sánh cho các cháu, tạo áp lực cho các cháu. Vì không được học trước nên điểm số con chị không cao, khiến cháu tỏ ra buồn bã. Trong khi quá nhiều cháu được học trước nên chị cho rằng điểm số không đánh giá đúng thực lực của từng cháu.

Chị cho rằng, việc không chấm điểm lớp 1 sẽ giảm áp lực điểm số cho các con, cho các bậc phụ huynh. Nhờ vậy, tình trạng học chữ trước khi vào lớp 1 sẽ giảm. Phụ huynh cũng sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với việc học của con.

Cùng quan điểm với chị Hà, chị Trần Thị Lê (Tây Hồ, HN) có con vào lớp 1 trường Tiểu học Xuân La (Tây Hồ, HN) cho rằng đây được coi là giải pháp khá hiệu quả, nhằm tạo nền tảng tâm lý tốt cho học sinh lớp 1: “Nó tạo cho các con 1 tâm lý thoải mái, tự tin để các con dần làm quen với môi trường mới. Từ một môi trường mầm non các bé chủ yếu là chơi nhưng khi bước vào ngôi trường cấp I với không gian sinh hoạt lạ lẫm, với bạn bè, thầy cô mới, sẽ làm cho đa phần trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi, không thoải mái. Các bậc phụ huynh cần cho con làm quen dần, tạo cho con sự thoải mái, gần gũi với môi trường mới hơn là việc đặt áp lực học tập cho con ngay khi vừa bước vào trường, làm cho trẻ mất đi sự hồn nhiên vốn có”.

Chị Trần Thị Lê

Chị Lê cũng cho rằng, không chấm điểm lớp 1 sẽ giảm tình trạng phụ huynh đặt áp lực điểm số cho con trẻ , giảm tình trạng phụ huynh cho con học thêm trước khi vào lớp 1. Bởi những trẻ được học trước thì lơ là trong giờ học chính, những trẻ chưa được học trước thì cảm thấy mình yếu kém hơn so với các bạn khác… Dẫn đến tình trạng giáo viên cũng không đánh giá được chính xác năng lực của các cháu.

Vẫn còn nhiều e ngại

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với quy định bỏ chấm điểm cho học sinh lớp 1, không ít phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn, e ngại khi quy định này được thực hiện. Bởi theo họ, điểm số là thứ đánh giá được đúng nhất lực học của con em mình, giúp phụ huynh dễ dành kiểm soát việc học của con cái họ hơn là từ những lời nhận xét mang tính nhẹ nhàng, chung chung.

Chị Dương (Ngọc Hồi, Thanh Trì, HN) bày tỏ quan điểm rằng điểm số là yếu tố quan trọng để đánh giá cụ thể chất lượng học sinh, cũng là động lực để học sinh cố gắng phấn đấu học tốt hơn: “Theo tôi không nên bỏ chấm điểm, vì ngay từ lớp 1, đặt áp lực về điểm số để học sinh xác định đi học khó hơn đi chơi rất nhiều cũng không sai”.

Chị tâm sự: “Những học sinh giỏi, nếu không có điểm số thì hẳn sẽ không vui. Cảm giác khi được điểm cao hơn các bạn khác sẽ hân hoan lắm, từ đó những học sinh này có hứng thú hơn đối với việc học. Ngược lại, những học sinh điểm kém hơn các bạn thì lần sau sẽ cố gắng hơn. Giữa học sinh có sự ganh đua nhau về điểm số, tôi nghĩ cuối năm, chất lượng học sinh vì thế sẽ được nâng lên đáng kể”.

Chị Dương (Ngọc Hồi, Thanh Trì, HN) tỏ ra e ngại khi biết đến quy định không chấm điểm lớp 1

Ngoài ra, chị Dương còn lo ngại về khả năng kiểm soát việc học hành của con: “Nếu không cho điểm, rất có thể phụ huynh sẽ lơ là hơn trong việc kiểm soát việc học hành của con. Con tôi mang điểm 1, điểm 2 về nhà, hẳn tôi bận mấy thì bận cũng phải quan tâm đến con hơn. Ngược lại nếu cô chỉ nhận xét: “Cần cố gắng hơn” thì mình cũng cảm thấy chưa đáng lo ngại”.

“Điểm số không phải là cái gì quá kinh khủng cả, chỉ là để phụ huynh căn cứ vào đó kiểm soát việc học của con mình đến đâu” – chị Lan (Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, HN) có con đang theo học tại trường Tiểu học Thịnh Hào (Đống Đa, HN) bày tỏ quan điểm. Theo chị, không nên bỏ chấm điểm cho học sinh lớp 1. Chị cho rằng: “Bỏ chấm điểm lớp 1 sẽ gây khó khăn cho phụ huynh trong việc kiểm soát việc học của con. Căn cứ vào điểm số, cô giáo và phụ huynh biết được học lực các con đến đâu, tiếp thu bài giảng như thế nào. Con được điểm 10 cũng là động lực động viên cháu. Điểm kém, mình sẽ biết học lực con mình đến đâu để kịp thời uốn nắn”.

Chị Lan cho rằng điểm số không phải để dọa phụ huynh, học sinh mà căn cứ vào đấy để đánh giá học lực con mình đến đâu, yếu, thiếu chỗ nào: “Đôi khi điểm số cũng là thứ để các em thi đua. Nếu bạn này được 10 mà mình chỉ được có 5 thôi, thì mình phải cố gắng viết cho đẹp hơn, làm toán nhanh hơn. Tôi nghĩ thi đua là rất tốt để học sinh tiến bộ và hoàn thiện mình”./.