Từ lâu nay, vấn đề tuyển dụng, lương bổng, chế độ đãi ngộ, thâm niên công tác cho giáo viên, nhà giáo luôn là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của những người đứng trên bục giảng và công tác trong ngành Giáo dục.

Khi việc tuyển dụng minh bạch, có chế độ đãi ngộ tốt thì các trường học, địa phương sẽ thu hút được những người thực sự giỏi tham gia vào công tác giảng dạy.

Khi biết Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên, việc tuyển dụng sẽ theo chế độ hợp đồng "có vào - có ra" và sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ lớn, nhiều nhà giáo đã bày tỏ sự ủng hộ.

Theo Giáo sư, tiến sĩ khoa học, Viện sĩ, nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc, ở nhiều nước trên thế giới không chức danh công chức, viên chức giáo viên như ở Việt Nam. Giáo viên, giảng viên sẽ được hưởng theo bậc lương riêng, không giống với những ngành nghề khác.

Ở Mỹ hay ở Pháp rất coi trọng nghề giáo, giáo viên được trả lương cao. Ở Hàn Quốc, giáo viên trung học được trả lương 7.000 USD/tháng. Như vậy, giáo viên có thể sống được bằng nghề nên họ có thời gian đọc sách, sáng tạo trong giảng dạy, thực nghiệm, chứ không phải lo nghĩ đến việc dạy thêm-học thêm hay làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập như ở Việt Nam.

giao_vien3_jebp.jpg
Việc bỏ công chức, viên chức giáo viên có thể “lợi bất cập hại”, số lượng giáo viên nghỉ việc và chuyển nghề sẽ gia tăng (ảnh minh họa)

Nhiều giáo viên cần môi trường để sáng tạo

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội lại có quan điểm trái chiều và cho rằng, chủ trương trên của Bộ GD-ĐT có thể “lợi bất cập hại” và số lượng giáo viên nghỉ việc và chuyển nghề sẽ gia tăng.

Hiện nay, giáo viên Việt Nam bị quản lý quá chặt. Họ làm gì, nói gì đều chịu sự quản lý từ Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT quận, huyện; hiệu trưởng, tổ trưởng bộ môn, phụ huynh học sinh và xã hội...

Ngoài ra, không chỉ giảng dạy chuyên môn mà giáo viên còn chịu sức ép từ những thành tích thi đua như họ phải bị dự giờ học, thi giáo viên dạy giỏi, sáng kiến kinh nghiệm và nhiều cuộc thi khác...

Những sự điều hành, quản lý như trên đối với giáo viên đã khiến nhiều người rất mệt mỏi nên không thể hiện được hết sự sáng tạo, học hỏi trong nghề nghiệp mà chỉ làm theo sự chỉ đạo để cho xong việc.

Theo TS Vũ Thu Hương, nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy yên tâm khi được tuyển dụng dưới dạng công chức, viên chức vì như được hưởng bảo hiểm khi ốm đau, gặp tai nạn. Tuy nhiên, nếu hình thức này không còn nữa thì có thể nhiều người sẽ nghỉ việc.

Nhiều giáo viên lại cho rằng, điều quan trọng nhất đối với những ai thực sự tâm huyết với nghề dạy học không phải là lương bổng hay chế độ đãi ngộ mà là môi trường làm việc để họ có thể phát huy chuyên môn, sự sáng tạo.

Từng công tác ở CHLB Đức, TS Vũ Thu Hương đã nhìn thấy rất nhiều giáo viên đi giảng dạy không có lương nhưng lại giảng dạy rất nhiệt huyết. Môi trường làm việc của giáo viên rất thoải mái, không có chuyện phải dự giờ như ở Việt Nam hay bị áp đặt bởi những khuôn mẫu từ cấp trên đặt ra. Mục tiêu của giáo viên là làm sao có được những bài giảng hay, dạy cho học sinh, sinh viên hiểu kiến thức tốt nhất.

Việc đánh giá giáo viên ở CHLB Đức không phải là kiểm tra việc dự giờ của giáo viên mà thông qua sự đánh giá kết quả học tập của học sinh. Nếu giáo viên nào có tỷ lệ học sinh hiểu bài cao, kỹ năng tốt thì có nghĩa là họ đã hoàn thành công việc. Ngoài ra, từng trường cũng phỏng vấn và thăm dò ý kiến học sinh về sở thích giáo viên nào giảng dạy, trình độ các thầy cô giáo như thế nào.

Nếu trong lớp học có học sinh nào hư, gây gổ đánh nhau thì giáo viên không nói với phụ huynh mà họ tự giải quyết. Nếu phụ huynh có biết việc này thì giáo viên cho rằng, đây là việc của họ chứ không cần phụ huynh can thiệp vào. 

Từ mô hình giảng dạy ở CHLB Đức và một số nước trên thế giới, TS Vũ Thu Hương nêu ý kiến, để giáo viên có thể giảng dạy tốt, phát huy sự năng động trong nghề nghiệp thì Bộ GD-ĐT nên bỏ bớt các cuộc thi mang tính hình thức, báo cáo thành tích.

Mặt khác, nên giảm bớt các cơ quan quản lý, đưa ra những quy định áp đặt đối với giáo viên. Như vậy, họ sẽ có không gian sáng tạo, phát huy chuyên môn./.