Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng "có vào - có ra", có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Tuy nhiên, việc này sẽ phải có lộ trình.
Có thể nói, nếu chủ trương trên được thực hiện thì sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên đang công tác ở khắp mọi miền của đất nước.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Sư phạm cho rằng, hiện nay, giáo viên được xếp vào hạng viên chức nhưng thực tế là nhiều chính sách và chế độ thụ hưởng lại như là công chức. Giáo viên có nghề nghiệp đặc thù về chuyên môn nên việc bỏ không còn công chức, viên chức là hoàn toàn đúng đắn. Bởi như vậy sẽ thúc đẩy các thầy cô giáo nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều giáo viên chưa sẵn sàng đón nhận chủ trương trên của Bộ GD-ĐT vì nhiều người đã quen được hưởng lương theo sự “bao cấp”. Vì vậy, quá trình thực hiện phải có lộ trình, không nên quá đột ngột.
Trước tiên, việc thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên nên thực hiện ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi như ở Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng... Bởi ở những nơi này có mô hình trường dân lập đã thực hiện việc trả lương cho giáo viên theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng. Còn ở những vùng miền khó khăn, vùng sâu, vùng xa thì nên thực hiện sau cùng.
Khi bỏ công chức, viên chức giáo viên thì phải gắn với chế độ lương bổng, đãi ngộ xứng đáng đủ để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình.
Cần có quy chuẩn nghề nghiệp và thời gian để thử thách
“Một trong những bất cập là từ nhiều năm nay, các trường ĐH đang phải đối diện với thách thức là không thể thải hồi được người không làm được việc để tuyển dụng người trẻ, có năng lực, chuyên môn giỏi vì vướng mắc ở biên chế, hợp đồng vô thời hạn”- PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nêu quan điểm.
Để thực hiện được việc làm trên, trước hết, Bộ GD-ĐT cần đưa ra quy chuẩn năng lực cơ bản cho giáo viên như chuẩn chuyên môn, chuẩn trình độ ngoại ngữ. Người nào chưa đạt chuẩn thì sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Nếu sau một thời gian thử thách, thầy cô giáo nào không đạt được chuẩn đề ra thì có thể nhà trường điều chuyển họ làm việc ở nơi khác.
Ví dụ như hiện nay, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đưa ra quy định đối với giảng viên là phải đạt trình độ tiếng Anh IELT 7.5 trở lên. Nếu sau 2 năm, họ không đạt được tiêu chuẩn đề ra thì sẽ bị chuyển sang các phòng, ban khác chứ không được đứng lớp giảng dạy nữa.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên không nên thực hiện đồng loạt ở các tỉnh thành và phải thực hiện rất cẩn thận vì sẽ tác động rất lớn đến tâm lý và đời sống của hàng triệu giáo viên. Nếu không thì chúng ta sẽ chẳng thu hút được những giáo viên giỏi giảng dạy ở những vùng miền khó khăn.
Còn GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến, việc triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên phải dựa trên xây dựng đề án cụ thể. Theo đó, đề án phải đưa ra yêu cầu cụ thể đối với những người có phẩm chất, năng lực, đặc thù nghề giáo và đảm bảo sự công bằng, minh bạch./.
Không còn công chức giáo viên: Tuyển dụng phải trọng người tài
Sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên